Đường sắt tốc độ cao nếu làm theo phương án này, từ Hà Nội đi TP.HCM chỉ mất 5 giờ

28/03/2024 07:12

Theo đề xuất mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ được đầu tư với tốc độ thiết kế 350km/h chuyên dùng để chở khách và hàng hóa khi có nhu cầu.

null
Đường sắt tốc độ cao được đề xuất thiết kế vận tốc 350km/h chuyên chở khách

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Tại đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thiết kế 350km/h chuyên dùng chở khách, vận tải hàng hóa khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chỉ dùng để vận chuyển hàng hóa.

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến nền kinh tế. Theo đó, dự án này có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2037.

Để tăng hiệu quả khai thác của dự án, các chuyên gia kiến nghị ngoài mục tiêu chở khách, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tính toán việc góp phần tăng thị phần vận tải hàng hóa của đường sắt để giảm chi phí logistics; phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT tiếp tục tiếp thu, giải trình, làm rõ các ý kiến được nêu tại phiên họp, hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Trong đó: làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa trên thế giới; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành; phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ ngành công nghiệp đường sắt trong nước…

Theo chỉ đạo trước đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Hiện nay, Bộ GTVT vẫn đang xin ý kiến các bộ ngành về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với 3 kịch bản.

Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách.

Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h.

Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD.

Ưu điểm của kịch bản 2 là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu.

Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.

Nhiều tổ chức quốc tế quan tâm

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và số vốn đầu tư rất lớn, nên Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đang có nhiều nỗ lực để có bước chuẩn bị tốt nhất cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT liên tục có các cuộc gặp làm việc với nhiều tập đoàn, tổ chức tài chính quốc tế lớn để mời gọi đầu tư cho dự án.

Đường sắt tốc độ cao nếu làm theo phương án này, từ Hà Nội đi TP.HCM chỉ mất 5 giờ

Thủ tướng tiếp lãnh đạo Tập đoàn Siemens chiều ngày 26/2 (Ảnh: CTTĐT CP)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng mời gọi tập đoàn Đức tham gia đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như cao tốc, metro, đường sắt…

Lãnh đạo Siemens cho biết, Tập đoàn hiện đang quan tâm và đầu tư nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Đặc biệt, Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

Trước đó, trong cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị WB bố trí nguồn vốn cho Việt Nam vay với lãi suất thấp nhất để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong đó, có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng từng có buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Đại sứ Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, đầu tư các dự án giao thông, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Riêng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhật Bản sẽ xem xét hỗ trợ Việt Nam vốn vay ODA với cơ chế thuận lợi nhất.

Theo Phong Vân/Cafeland