Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Góc nhìn: Cú sập chứng khoán Việt và lịch sử có lặp lại?

20/10/2020 13:00

Có những điểm khá tương đồng của cú sập phiên 11/10 so với diễn biến của tháng 10/2020...

"Cuộc sống đang bình thường tự nhiên có động đất sóng thần nhấn chìm tất cả. Đây hoàn toàn do thiên tai bất ngờ ập đến. Cá lớn cá bé đều chết hết", cảm xúc của một nhà đầu tư sau giờ giao dịch ngày 11/10/2018.

Có thể cảm xúc này đã được chuyền tay trong một bộ phận nhà đầu tư sau đó. Chủ nhân của nó là "nhạc trưởng" của một nhóm nhà đầu tư cá nhân trên sàn chứng khoán Việt.

Bất khả kháng và tâm lý?

Đều đặn, trước giờ mở cửa mỗi phiên, vị "nhạc trưởng" trên đều có tin nhắn tóm lược bối cảnh chung, dự báo diễn biến giao dịch và một số mã cụ thể. Kiểm nghiệm, khoảng một tuần trở lại đây, đó là những dự báo khá chính xác, đồng điệu với diễn biến thị trường sau đó.

Cũng với góc nhìn trên, 6h30 ngày 11/10/2018, tin nhắn được gửi đi, sau dư chấn mạnh từ Phố Wall (Mỹ): "Tình hình ngoài dự đoán. Kinh nghiệm cho ta thấy, anh em nên đưa tài khoản về vị thế tiền mặt nhiều nhất có thể, tránh để đến chiều sẽ là quá muộn".

Tuy nhiên, cảnh báo trên được chú thích là để những người nhận chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận chấn động mạnh, kèm theo đó là khuyến nghị nếu giảm mạnh ngay thì không nên bán, và kỳ vọng đây sẽ là phiên "tát ao" cuối cùng của nhịp giảm hiện nay.

Giả dụ, góc nhìn và phán đoán của vị "nhạc trưởng" trên điển hình cho một trong những quan điểm trước phiên 11/10/2018. Có những điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, trong một tuần qua góc nhìn trên bám sát và dự báo tốt diễn biến. "Tình hình ngoài dự đoán" có thể xem là bất ngờ và dẫn tới bất khả kháng với nhiều nhà đầu tư.

Lệch múi giờ, đêm trước thị trường chứng khoán Mỹ có thể nói rơi vào khủng hoảng mang tính thời điểm. Sáng hôm sau, thị trường Việt Nam lập tức phản ánh, lệnh bán ồ ạt và giá "rơi như viên sỏi" ngay đợt khớp lệnh mở cửa. Có nghĩa là, phần lớn "số phận" của nhà đầu tư trở nên thụ động.

Trên sàn Hà Nội (HNX), khớp lệnh liên tục ngay khi mở cửa, đã có hoạt động "bắt dao rơi" ở nhiều mã khi xuất hiện cú rơi mạnh. Nhưng "đứt tay" ngay sau đó và hoạt động này thảng đi.

Thứ hai, kỷ luật nâng tỷ trọng tiền mặt lên mức cao có thể, nói cách khác là hoạt động bán ngay, bán dứt khoát để chủ động kiểm soát rủi ro được lựa chọn.

Diễn biến từ đầu đến kết phiên cho thấy rõ lựa chọn đó. Nó càng trở nên đậm nét hơn ở hai lần gắng gượng phục hồi, vào phiên sáng và chiều, đều bị nhấn chìm bới hoạt động bán ra dứt khoát.

Thứ ba, trong một tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh bình thường, sau nhịp tăng khá dài từ ba tháng qua (từ tháng 7/2018); bối cảnh vĩ mô nói chung không có biến động lớn và bất thường nào; thậm chí có kỳ vọng hướng tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, cùng với vĩ mô chốt quỹ vừa qua tích cực…

Theo đó, bên cạnh tác động từ Phố Wall cũng như chứng khoán toàn cầu nói chung giảm rất mạnh, tâm lý là một phần để lý giải cho cú sập ngày 11/10/2018 ở thị trường chứng khoán Việt.

Lịch sử có lặp lại?

Phiên 11/10/2018 gợi nhớ lại cú sập ngày 5/2/2018, vẫn còn tươi mới.

Chỉ khác một chút về thời điểm, phiên 5/2/2018 trọng lực đứt gãy của điểm số dồn vào buổi chiều. Một phiên mà khi đó giới đầu tư gợi lại kỳ khủng hoảng "trắng bên mua" năm 2008.

Cái khác trên thực ra không khác. Vì phiên 5/2/2018 của chứng khoán Việt Nam được pha loãng bằng hai ngày nghỉ cuối tuần; phiên liền trước cuối tuần chứng khoán Mỹ cũng có phiên giảm cực mạnh.

Và có những điểm chung đáng chú ý.

Về cơ bản, bối cảnh thị trường Việt Nam khi đó về vĩ mô khá thuận lợi và ủng hộ đà đi lên. Năm 2017 vừa đạt GDP ấn tượng, lãi suất, tỷ giá, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp… thuận lợi.

Điểm chung đáng chú ý khi đó và hiện nay, cú sập của thị trường chứng khoán không bị cộng hưởng bởi các yếu tố tiền tệ, và không lan sang các yếu tố tiền tệ tại cùng thời điểm.

Đó cũng là "cái may" của cú sập 11/10/2018. Nó dường như phản ánh nội tại của riêng thị trường chứng khoán. Vì các diễn biến tiền tệ không có xáo trộn lớn và bất thường theo hướng tác động tiêu cực.

Nhìn ra bên ngoài, sau khi chỉ số USD-Index nhăm nhe trở lại mốc 96 điểm, thì trước thềm cú sập này nó giảm đáng kể, có thời điểm nằm dưới 95 điểm. Đồng Nhân dân tệ sau khi đe dọa xuyên đáy của năm so với đồng USD thì đã lên giá đáng kể trở lại. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm có xu hướng giảm trở lại kéo dài…

Trong nước, bên cạnh các yếu tố vĩ mô thuận lợi vừa qua như GDP tăng cao, xuất siêu kỷ lục, tỷ giá USD/VND liên tiếp có những phiên hạ nhiệt trên liên ngân hàng cũng như trên biểu niêm yết của ngân hàng thương mại… Nói chung không có gì bất thường quá lớn và có tác động tiêu cực mang tính thời điểm; chưa kể đang có kỳ vọng đón mùa báo cáo quý 3 dự kiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan.

Vậy thì, cú sập của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/10/2018 có trọng số lớn mang tính nội tại của nó.

Với khá nhiều điểm tương đồng như vậy, nhìn lại diễn biến cú rơi 5/2/2018 thì sao?

Đó là quán tính lao dốc tiếp tục thể hiện mạnh mẽ, khốc liệt hơn vào sáng phiên nối tiếp 6/2/2018, có lúc VN-Index giảm tới trên 60 điểm. Tính chung hai phiên 5 và 6/2018, cú sập đã nhấn chìm tới 118 điểm của chỉ số.

Nhưng, như trên, "may mắn" vì không có những cộng hưởng từ các yếu tố tiền tệ lớn và bất lợi vĩ mô lớn nào đó, con lăn VN-Index dừng lại vào cuối chiều 6/2 để rồi bùng nổ với cổ phiếu tăng giá ồ ạt ngày sau đó phiên 7/2/2018.

Lần này, liệu lịch sử có lặp lại?

So sánh có thể khập khiễng. "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Mỗi thời điểm có những biến số khác nhau. Song, nhìn về một dữ kiện khá điển hình trong quá khứ có nhiều điểm tương đồng, ít nhất cũng là một tham khảo. Và kinh nghiệm được thành hình từ quá khứ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/goc-nhin-cu-sap-chung-khoan-viet-va-lich-su-co-lap-lai-20181011223719738.htm