Dưới sự chèo lái của doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường), Vissai Ninh Bình không những trở thành 'đại gia' số má trong ngành xi măng mà còn liên tục mở rộng quy mô sang khách sạn, thủy điện, vận tải và cả bất động sản.
Nhận thấy những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tại Ninh Bình, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đặt nền móng tại đây, điển hình có thể kể đến như Tam Điệp, Bỉm Sơn, Xuân Thành… Đặc biệt trong đó không thể bỏ qua cái tên Vissai với tiềm lực không hề kém cạnh.
Theo đó, năm 2004, Công ty TNHH xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát ra đời.
Đến năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Năm 2017, công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình.
Cập nhật tại ngày 30/5/2018, Vissai Ninh Bình có số vốn điều lệ 1.504,45 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Nguyễn Ngọc Oánh (0,007%), Đỗ Thị Phượng (22,14%) và nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 77,854% là ông Hoàng Mạnh Trường.
Giống như bầu Thuỵ - ông chủ Tập đoàn Xuân Thành, doanh nhân Hoàng Mạnh Trường cũng từng có thời gian gắn bó với bóng đá Ninh Bình. Theo đó, vào năm 2007, đại gia Mạnh Trường đã mua suất của đội bóng Sơn Đồng Tâm (Long An) rồi đưa về Ninh Bình với tên gọi Vinakansai Ninh Bình.
Hai năm sau, ông quyết định chuyển sang sử dụng tên thi đấu chính thức Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình. Cuối năm đó đội đoạt chức vô địch giải hạng Nhất và giành quyền thi đấu ở Giải bóng đá vô địch quốc gia kể từ năm 2010, cái tên bầu Trường cũng được biết đến nhiều từ đây.
Để nuôi đội bóng, vị doanh nhân Ninh Bình sẵn sàng "chịu chơi" đến mức bỏ ra 50 tỷ đồng/năm. Hễ ai đầu quân về đây coi như "một bước lên tiên” bởi ông chẳng bao giờ tiếc tay đối với cầu thủ. Đặc biệt, ông còn nổi tiếng với màn khao bia miễn phí cho hơn 20 nghìn khán giả trên khán đài đến cổ vũ cho đội bóng của mình.
Dù rất chịu chi nhưng dường như doanh nhân Hoàng Mạnh Trường không có duyên với bóng đá, bởi sau những thành tích đạt được, vào năm 2014, các cầu thủ The Vissai Ninh Bình lại dính vào nghi án bán độ rồi bị triệu tập lấy lời khai, thừa nhận tham gia bán độ... Ngay lập tức, ông đã quyết định rút khỏi giải V.League với lý do mất hầu hết các trụ cột. Một năm sau ông chính thức giải thể đội bóng và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho địa phương.
Trở lại với Vissai Ninh Bình, sau 17 năm phát triển, doanh nghiệp này đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Ninh Bình. Và trong giai đoạn đó, tập đoàn của ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã có những bước tiến dài, đặc biệt là việc lập “kỳ tích” khi ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang thị trường Băngladesh hồi nửa cuối năm 2010.
Đây là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của thương hiệu Vissai khi kể từ đó, tập đoàn này đã nối dài các thị trường xuất khẩu tới gần 20 quốc gia như CHLB Đức, Mozambique, Conggo, Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Pháp, Australia, Mỹ…
Không dừng lại tại đó, năm 2014, Vissai tiếp tục tạo dấu ấn đậm nét khi vượt qua nhiều đối thủ, trở thành nhà cung cấp vật liệu cho Ciments de Bourbon để thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc cho đảo Reunion Island tại Ấn Độ Dương - Réunion highway của chính phủ Pháp.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, liên tiếp trong hai năm 2014-2015, Vissai còn mạnh tay mua lại 3 doanh nghiệp xi măng là Đồng Bành, Đô Lương và Dầu khí 12/9 (nay là CTCP Xi măng Sông Lam 2) để củng cố vị thế, qua đó trở thành doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 trên thị trường Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực xi măng của Vissai gồm: Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình); Công ty Cổ phần Vissai Hà Nam (vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành; Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.
Trong đó, Xi măng Sông Lam là nổi bật hơn cả khi liên tục đóng góp doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả hệ sinh thái. Công ty này được thành lập vào tháng 7/2004, trụ sở hiện đặt tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vôi, thạch cao.
Tháng 9/2016, Sông Lam tăng vốn từ 450 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, số vốn điều lệ là 1.770 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Oánh (SN 1972).
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và củng cố cho tham vọng xây dựng Vissai thành thương hiệu quốc tế, thông qua các công ty thành viên trong lĩnh vực truyền thống của doanh nghiệp, bầu Trường đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng nghìn tỷ đồng gồm: Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình tại Khu CN Gián Khẩu Huyện Gia Viễn Tỉnh Ninh Bình (Tổng mức đẩu tư: 5.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất xi măng tại Hà Nam (Tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn (Tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất Xi măng tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (Tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng); Nhà máy xi măng Sông Lam tại Huyện Đô Lương (12.500 tỷ đồng).
Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là xi măng, doanh nhân vùng đất cố đô còn mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn, thủy điện và cả vận tải.
Đối với lĩnh vực bất động sản, ngoài việc sở hữu Khách sạn 5 sao THE VISSAI HOTEL với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng tại Ninh Bình, Vissai còn gây tiếng vang khi mua 97% cổ phần CTCP Sài Gòn Givral – công ty con của OCH vào năm 2012. Qua đó, sở hữu dự án khách sạn Starcity Sài Gòn, nay có tên mới là Vissai Saigon Hotel.
Không dừng ở đó, tháng 5/2015, trên website của mình, Vissai còn điền tên Trung tâm thương mại- Dịch vụ 35 Tràng Tiền vào danh sách các dự án đầu tư. Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, với 6 tầng thương mại, dịch vụ và giải trí (2 tầng hầm). Tổng diện tích dự án lên tới 2.000 m2 và nằm tại khu đất “vàng” 35 Tràng Tiền - là trụ sở của CTCP Kem Tràng Tiền.
Tuy nhiên không lâu sau đó, thông tin này đã bị xóa khỏi danh mục các dự án đầu tư của Vissai. Tại BCTC năm 2020 của OCH, mặc dù CTCP Kem Tràng Tiền không xuất hiện trong danh mục công ty con, hay công ty liên kết của OCH, tuy nhiên các vị trí chủ chốt tại Kem Tràng Tiền đều do người của OCH nắm giữ.
Mới đây nhất, thông qua pháp nhân có liên hệ mật thiết là CTCP Bán đảo Kênh Gà, doanh nghiệp của bầu Trường đã được tỉnh Ninh Bình giao lập quy hoạch cho dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình với tổng vốn đầu tư khoảng 1 – 1,5 tỷ USD. Được giao lập quy hoạch chung chưa đồng nghĩa với việc trở thành chủ đầu tư, tuy nhiên với vị thế và mối quan hệ sẵn có tại “cứ điểm” Ninh Bình, sẽ không bất ngờ khi doanh nghiệp của bầu Trường là ứng viên sáng giá nhất tại siêu dự án gần 2.000ha.
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, hệ sinh thái của ông Hoàng Mạnh Trường còn có CTCP Dịch vụ và Vận tải Vissai, CTCP Cảng Việt Nhật, CTCP Dịch vụ Cảng Bích Đào; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai; CTCP Tài chính và Phát triển năng lượng.
Hệ sinh thái của bầu Trường làm ăn ra sao?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, lĩnh vực xi măng vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với Vissai Group khi nhiều thành viên hoạt động trong lĩnh vực này có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cùng kết quả kinh doanh vượt trội so với các lĩnh vực khác.
Trong đó, bộ đôi Vissai Ninh Bình và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam (Xi măng Sông Lam) có doanh thu nổi bật hơn cả.
Đối với Vissai Ninh Bình (công ty mẹ), giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của công ty này luôn duy trì trên mức 4.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 5.303 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong ngành xi măng tại khu vực Ninh Bình, mức doanh thu năm 2019 của Vissai Ninh Bình chỉ xếp sau Xi măng Xuân Thành với doanh thu 7.748 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Vissai Ninh Bình (công ty mẹ) lại rất mỏng. Như năm 2019, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Vissai Ninh Bình ở mức 9.479 tỷ đồng.
Trong khi đó, những năm gần đây Xi măng Sông Lam lại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh về doanh thu, như năm 2018 là 4.363 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đã ở mức 5.103 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tương ứng cũng tăng mạnh, riêng năm 2019 là 545 tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Xi măng Sông Lam đạt mức 10.374,9 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, một số công ty thành viên khác thuộc hệ sinh thái của bầu Trường cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 với doanh thu thuần ở mức nghìn tỷ đồng như Vissai Hà Nam 2.224 tỷ đồng hay Xi măng Sông Lam 2 với 666 tỷ đồng.
Theo Nhà Đầu tư
https://nhadautu.vn/he-sinh-thai-khung-cua-vissai-group-d48696.html