Những dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư lớn nhất được khởi công năm 2023

28/12/2023 07:10

2023 là năm đột phá về hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án được đồng loạt khởi công tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, có những đại dự án vốn đầu tư “khủng” sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

null

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76km đi qua địa bàn TP.HCM (47,51km), Long An (6,8km), Đồng Nai (11,26km) và Bình Dương (20,06km).

Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 75.300 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Vành đai 3 được thiết kế là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng với hai làn hỗn hợp hai bên, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h.

Trong tháng 6/2023, các dự án thành phần của Vành đai 3 thuộc các địa phương lần lượt được khởi công.

Theo kế hoạch, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2026.

Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 3 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch nối liền những trung tâm kinh tế lớn nhất của khu vực phía Nam.

Đường Vành đai sẽ giảm tải cho các tuyến giao thông nội thành, đồng thời tạo nên một hành lang logistic với các hệ thống kho bãi, cảng cạn và cảng biển giữa các địa phương.

Đường Vành đai 3 TP.HCM cũng góp phần mở ra không gian phát triển những đô thị mới ở khu vực nó đi qua. Quỹ đất dọc hai bên tuyến đường sẽ là nguồn lực quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Vành đai 4 vùng thủ đô

Dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô được khởi công vào tháng 6/2023 có chiều dài 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km.

Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Vành đai 4 được chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.800 tỉ đồng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa Hà Nội với những tỉnh thành quanh khu vực. Đồng thời, dự án cũng tạo động lực cho sự hình thành và phát triển những vùng đô thị mới.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu là 19,7km.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 dài 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có vai trò quan trọng với mạng lưới giao thông của khu vực. Khi hoàn thành, hạ tầng này sẽ kết nối với nhiều dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 4…

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần: Thành phần 1 có chiều dài 31,5km đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hoà; Thành phần 2 dài 37km là đoạn nối giữa Khánh Hoà và Đắk Lắk; Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều dài 48km.

Tổng mức đầu tư dự án là 21.935 tỉ đồng. Dự án khởi công vào tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa chỉ còn khoảng 1,5 giờ. Dự án là hạ tầng giao thông quan trọng kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung.

Bên cạnh ý nghĩa giao thông, tuyến cao tốc sau khi thành hình cũng sẽ tạo ra các không gian phát triển mới dọc hành lang cao tốc là những khu đô thị, công nghiệp…thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, điểm đầu giao đường tránh quốc lộ 91, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối kết nối quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Dự án có tổng chi phí gần 44.700 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách, chia làm bốn dự án thành phần.

Giai đoạn một cao tốc rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Được ví như “trái tim” của sân bay quốc tế Long Thành, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã được khởi công xây dựng từ cuối tháng 8/2023.

Nhà thầu thi công hạng mục quan trọng này là Liên danh Vietur.

Đây là đơn vị do doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên kết cùng những tên tuổi trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp…

Nhà ga sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỉ đồng sẽ được xây dựng trong thời gian 39 tháng.

Khi hoàn thành, nhà ga sẽ có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.