Những “tấn bi kịch” trên sàn chứng khoán Việt

26/03/2019 14:12

Cổ phiếu YEG giảm sàn 13 phiên liền. Đó vẫn là chuyện nhỏ! Vẫn còn nhiều "tấn bi kịch" trên sàn chứng khoán với số phiên giảm sàn còn giật gân hơn thế.

Thị trường chứng khoán, phong vũ biểu của nền kinh tế luôn mang những diễn biến khó lường đầy màu sắc trong mình. Phản ánh sự tin tưởng và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với tiềm năng và sức khỏe của doanh nghiệp, giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng giảm là điều tất yếu trên thị trường, khi mà câu chuyện kinh doanh luôn ẩn chứa những nhiều điều rủi ro. Cũng chính từ đó, thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ luôn được nhà đầu tư săn đón. Và khi thông tin bất lợi đối với tình hình doanh nghiệp được đưa ra, giá cổ phiếu có thể sẽ có những biến động khó lường.

Lấy ví dụ từ sự cố với Youtube của Yeah1 gần đây, cổ phiếu YEG của Công ty này liền giảm sàn liên tiếp 13 phiên. Vốn hóa của doanh nghiệp “bay hơi” hơn 4,600 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu giảm về dưới 100,000 đồng/cp (kết phiên ngày 20/03/2019). Từ đó mới thấy biến động giá cổ phiếu trên thị trường có thể “khốc liệt” tới không ngờ.

Bên cạnh những diễn biến liên quan tới hoạt động kinh doanh, còn không ít nguyên nhân có thể khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mải miết giảm sàn.

Ngược dòng quá khứ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, câu chuyện giảm sàn liên tiếp của YEG không phải độc nhất. Thống kê từ năm 2016 của Vietstock, có tới gần 20 trường hợp giảm sàn liên tiếp từ 10 phiên trở lên. Đằng sau những phiên giảm sàn này là đều là những câu chuyện ly kỳ.

Những cổ phiếu giảm sàn liên tiếp trên 10 phiên trong 3 năm trở lại đây

Những phi vụ thế kỷ

Cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị chắc chắn sẽ là cái tên được “lưu vào sử sách” của làng chứng với kỷ lục giảm sàn tới 34 phiên liên tiếp, mất tới hơn 91% thị giá về còn hơn 3,090 đồng/cp.

Cũng phải nhắc lại, giá cổ phiếu này đã có giai đoạn tăng mạnh không-hồi-kết. Tính từ ngày đầu lên sàn HOSE (03/2015) cho tới trước khi “thảm kịch” xảy ra, thị giá CDO tăng tới hơn 200%, đã từng có lúc đạt đỉnh hơn 37,000 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1 triệu cp/phiên trong thời gian này.

Và khi “tấn bi kịch” 34 phiên sàn diễn ra, ông Vũ Đình Nhân – Chủ tịch HĐQT của CDO đã lên tiếng giải trình nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn là do một số tin đồn thất thiệt liên quan tới việc ông này bị bắt và khẳng định nguyên nhân giảm sàn của giá cổ phiếu không hề liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Cũng trong khoảng thời gian này, thông tin có bàn tay lèo lái thổi phồng giá cổ phiếu CDO rộ lên. Trước dư luận nóng sốt, các đơn vị chức năng cũng bắt bay vào điều tra. Cuối cùng mọi người mới vỡ lẽ ra tấn thảm kịch vừa rồi là do một cựu giám đốc ở một công ty chứng khoán nắm trong tay 70 tài khoản chứng khoán tại 24 công ty chứng khoán khác đẩy giá CDO lên đỉnh để rồi bán tháo khiến cổ phiếu giảm không-hồi-kết. Sau cùng, vị này đã phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi của mình nhưng giá cổ phiếu CDO đã hết đường cứu vãn.

Sau biến cố này, giá cổ phiếu CDO chỉ còn đi ngang ở mức giá của cốc trà đá. Cuối năm 2018, cổ phiếu này lại còn chịu án hủy niêm yết do chậm công bố thông tin, bị đẩy xuống giao dịch trên sàn UPCoM. Tới nay, cổ phiếu CDO chỉ còn đi ngang ở mức giá khoảng 1,000 đồng/cp.

Thao túng giá là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Ảnh: Internet

Vụ việc của CDO là đại diện tiêu biểu cho không ít trường hợp cổ phiếu giảm sàn liên tiếp do dính vào phi vụ làm giá chứng khoán.

Một trường hợp khá hài hước về cổ phiếu bị thổi giá là TNT của CTCP Tài Nguyên. Bình thường chỉ dính vào phi vụ làm giá 1 lần là quá đủ rồi, thế nhưng các “ảo thuật gia” trên sàn chứng khoán lại hứng thú làm giá TNT tới hai lần. Trong khoảng thời gian từ 09/6/2015 - 24/7/2015 và 23/12/2015 - 10/10/2016, hai cá nhân sử dụng nhiều tài khoản để mua, bán, tạo cung cầu giả để thao túng giá TNT.

Kết quả chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016, cổ phiếu TNT phải hứng chịu hai đợt giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, số phiên giảm sàn lần lượt là 25 phiên và 12 phiên. Giá trị cổ phiếu cũng giảm hơn 90% từ 29,900 đồng/cp về còn 2,760 đồng/cp.

Bên cạnh hai trường hợp kể trên, cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, HNG cũng từng trong bàn tay của một phù thủy thao túng giá vào khoảng từ 20/07/2015 tới 01/04/2016. Nằm trong khoảng thời gian này (từ 25/01 đến 18/02/2016), HNG có đợt giảm sàn liên tiếp 14 phiên từ mức giá 21,900 đồng/cp về còn 8,300 đồng/cp.

Những sự cố kinh doanh ngàn tỷ

Thổi giá cao dẫn đến rớt giá chỉ là một trong nhiều nguyên do khiến cổ phiếu giảm sàn liên tục. Nhiều trường hợp trên sàn, tương tự YEG, chuỗi giảm sàn liên tiếp đến từ bất ổn của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một trong những cái tên tiêu biểu là TTF với 24 phiên giảm sàn liên tiếp thổi bay hơn 80% thị giá cổ phiếu vào lúc ấy. Nguyên nhân chính của đợt giảm sàn này đến từ việc kiểm kê phát hiện tồn kho của Công ty thiếu tới gần 980 tỷ đồng, cộng với việc CTCP Tập đoàn Vingroup ngưng chuyển đổi nợ thành cổ phiếu TTF.

Cũng vì liên quan tới khoản mục hàng tồn kho, một cổ phiếu khác cũng lâm vào cảnh giảm sàn liên tiếp, ATA của CTCP Ntaco. Cụ thể, trên BCTC năm 2015 do công ty tự lập trước đó, khoản hàng tồn kho ghi nhận số dư tồn kho đến cuối năm 2015 là 364 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên BCTC kiểm toán, khoản hàng tồn kho gần 400 tỷ đồng hồi đầu năm đã “bốc hơi” hoàn toàn về số 0, thay vào đó là hàng loạt biết động của các khoản chi phí khác, chi phí quản lý doanh nghiêp và thu nhập khác của Công ty.

Những điều chỉnh đó dẫn đến trên BCTC kiểm toán, cả năm 2015, ATA lỗ trên 426 tỷ đồng thay vì lãi 30 tỷ đồng như báo cáo trước đó. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm âm gần 421 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng. Nhờ thông tin này, cổ phiếu ATA giảm sàn liên tiếp 11 phiên, mất 44% thị giá.

Bên cạnh đó, vì được cho là có liên đới đến MTM - cổ phiếu của Công ty ma Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung, hàng loạt cổ phiếu khoáng sản (FID, KSA, KHB) cũng dính trấu giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp.

Doanh nghiệp gặp sự cố, giá cổ phiếu cũng không khỏi gặp hạn. Ảnh: Internet

Điểm lại vụ MTM, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những nhà đầu tư mua cổ phiếu, từ năm 2013 - 2014, một nhóm đối tượng đã lập khống hồ sơ, làm giả danh sách 103 cổ đông đứng tên sở hữu 31 triệu cp (tương đương 310 tỷ đồng); lập khống hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết, hóa đơn GTGT, phiếu thu, phiếu chi... giữa MTM với nhiều công ty. Dựa vào hồ sơ giả nêu trên, cùng với sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng, Cùng với đó, nhóm đối tượng làm giả báo cáo tài chính, hồ sơ hoạt động sản xuất kinh doanh; liên hệ với các công ty kiểm toán để làm hồ sơ kiểm toán của MTM nhằm lừa dối các cơ quan chức năng đăng ký là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu MTM trên thị trường chứng khoán... Sau khi cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM (vào ngày 15/04/2016) để thu hút các nhà đầu tư, nhóm đối tượng sử dụng 59 tài khoản mở tại một số công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm đẩy giá cổ phiếu. Với nhiều vấn đề bất thường, cổ phiếu MTM đã bị ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng lên sàn.

Chí Kiên

FILI

Bạn đang đọc bài viết "Những “tấn bi kịch” trên sàn chứng khoán Việt" tại chuyên mục Chứng khoán.