Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế Trung Quốc

23/11/2021 21:39

Khủng hoảng nối khủng hoảng đe dọa nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng qua. Tình trạng đình lạm đẩy chính quyền Bắc Kinh vào thế khó.

Ông Liu Shijin - thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - cảnh báo rằng tình trạng đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao) có thể gây sức ép lớn lên nền kinh tế quốc gia 1,4 tỷ dân, vốn đang chật vật để phục hồi.

Theo CNN, đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc đưa ra một số biện pháp để giải quyết tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc, bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu kể từ đầu năm 2020.

Ông Liu cảnh báo nền kinh tế thứ hai thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng đình lạm trong phần còn lại của năm và năm 2022, nhất là khi nhu cầu tiếp tục lao dốc và chi phí sản xuất của các nhà máy Trung Quốc vẫn ở mức cao.

Kinh te Trung Quoc suy giam anh 1

Tình trạng lạm phát tăng cao còn tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã đẩy giới chức Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Tiến thoái lưỡng nan

"Chúng ta cần lưu ý. Bởi nếu điều này xảy ra, nó không chỉ ảnh hưởng đến quý IV/2021 mà còn cả năm sau", ông nhấn mạnh.

Tình trạng đình lạm có thể là một vấn đề lớn đối với giới chức Trung Quốc. Bởi các chính sách nhằm kìm hãm lạm phát, chẳng hạn nâng lãi suất, có thể cản trở tăng trưởng hơn nữa. Ở chiều ngược lại, những chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, ông Liu vẫn dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.

Khủng hoảng nối khủng hoảng đe dọa nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng qua. Ngoài lạm phát khiến giá sản xuất tại các nhà máy tăng cao, đất nước 1,4 tỷ dân cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản.

Dự báo của Bloomberg Economics chỉ ra GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý IV, sau mức tăng đáng thất vọng 4,9% vào quý III. Trước đại dịch Covid-19, con số lên tới 6-7%.

Nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng đình lạm trong phần còn lại của năm và năm 2022, nhất là khi nhu cầu tiếp tục lao dốc và chi phí sản xuất của các nhà máy Trung Quốc vẫn ở mức cao

Ông Liu Shijin, thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC

Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh đã rất nghiêm túc khi tuyên bố rằng khác với các đợt suy thoái trước đây, họ sẽ ngừng sử dụng ngành công nghiệp bất động sản để kích thích nền kinh tế.

Tiêu dùng sụt giảm là một lực cản khác đối với nền kinh tế Trung Quốc. Với chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của chính quyền Bắc Kinh, các hạn chế nghiêm ngặt đã khiến người tiêu dùng e ngại, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược 'Zero-Covid', hoặc lĩnh vực bất động sản giảm sâu hơn, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể giảm xuống 4%", ông Tao Wang - nhà kinh tế trưởng tại UBS AG - cảnh báo.

"Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể, còn các gói kích thích kinh tế vẫn chưa được tung ra", các nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg bình luận.

Sớm hành động

Gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận những lo ngại đó. Tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh hồi tuần trước, ông cho biết nền kinh tế đang đối mặt với áp lực mới. Ông Lý Khắc Cường mô tả các đợt bùng phát dịch Covid-19, lũ lụt nghiêm trọng, giá cả tăng cao và thiếu hụt năng lượng là những mối lo chính.

Theo vị thủ tướng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung hỗ trợ thị trường, bao gồm những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhỏ, thông qua cắt giảm thuế và phí hành chính.

Theo giới quan sát, giới chức Trung Quốc có thể xem xét cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng các chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo hàng quý mới được công bố hồi tuần trước, PBoC đã loại bỏ những cụm từ chỉ các chính sách thắt chặt hơn. Theo nhóm phân tích tại Goldman Sachs, Nomura và Citi, việc loại bỏ những cụm từ đó báo hiệu sự thay đổi trong tương lai.

"Việc loại bỏ những cụm từ này thể hiện sự thay đổi lập trường của PBoC, tạo tiền đề cho các chính sách nới lỏng hơn", nhóm phân tích của Nomura nhận định.

Kinh te Trung Quoc suy giam anh 2

Giới quan sát cho rằng PBoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2021. Ảnh: Reuters.

Những thay đổi đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng các nhà phân tích của Capital Economics cho rằng ngân hàng trung ương sẽ sớm cắt giảm lãi suất chính sách.

"Khi nền kinh tế vẫn còn căng thẳng, Trung Quốc sẽ chịu áp lực trong việc giảm sức ép tài chính lên các doanh nghiệp nợ nần", nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard bình luận. Ông cho rằng PBoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2021 và giảm mạnh tay hơn nữa vào năm 2022.

Còn theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, thay vì cắt giảm lãi suất, chính quyền Trung Quốc có thể hỗ trợ cho phát triển xanh và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Thảo Phương/ Zingnews