Thị trường chứng khoán tăng như vũ bão: Vui thôi, đừng vui quá

01/06/2020 11:00

Chứng khoán thế giới và Việt Nam tăng điểm vũ bão trong tháng 4, tháng 5, bất chấp số liệu kinh tế toàn cầu lao dốc dữ dội. Tuy nhiên, sự phi lý này cũng đặt ra nhiều suy đoán.

Hành động của nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức

Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đang sở hữu khối tiền mặt khổng lồ, theo báo cáo mới nhất là 137,3 tỷ USD, tăng hơn 10 tỷ USD so với cuối năm 2019, dù đã tiêu 3,5 tỷ USD trong quý I. Số liệu cho thấy, tập đoàn này đang có tốc độ mua/bán là 1:4, nghĩa là họ ngày càng có xu hướng tích trữ tiền mặt nhiều hơn.

Theo Bloomberg, lượng tiền mặt của nhà đầu tư trên toàn cầu tăng từ dưới 3.000 tỷ USD hồi năm 2018 lên tới 4.600 tỷ USD vào tháng 4 năm nay. Tỷ phú Warren Buffet cũng nói: “Chúng tôi vẫn chưa hành động vì chẳng thấy gì hấp dẫn”, “Cuộc khủng hoảng lần này rất khác”, “Fed không biết được. Tôi không biết và chẳng ai biết cả”. Có lẽ điều này khiến ông cẩn trọng trong giải ngân và ưu tiên nắm giữ tiền mặt.

Không chỉ Warren Buffett, mà nhiều tỷ phú, các nhà quản lý quỹ khác cũng cùng quan điểm về điều này. Nhà quản lý quỹ Stanley Druckenmiller đạt tỷ suất sinh lợi ngoại hạng ở mức trung bình mỗi năm là 30% trong suốt 3 thập kỷ. Thậm chí ông gần như chưa bao giờ thua lỗ trong suốt 120 quý đầu tư của mình.

Ông nói: “Điều đầu tiên tôi được nghe vào những ngày đầu bước chân vào thị trường, đó là bò làm ra tiền, gấu cũng làm ra tiền, chỉ có heo là bị làm thịt. Nhưng giờ tôi ở đây để cho bạn biết rằng, tôi chính là một chú heo”. Nghĩa là bây giờ, nhà quản lý quỹ đại tài này cũng nghiêng về việc phòng thủ giữ tiền nhiều hơn là “tấn công”.

Chuyên gia quản lý quỹ Crispin Odey cũng nói: “Hãy cứ mua cổ phiếu mà bạn yêu thích, tôi không muốn làm bạn bị mất hứng, nhưng kể từ lúc đó, bạn đã chọn nhầm phe của lịch sử” và “chẳng có gì miễn nhiễm với đà giảm tốc của kinh tế”. Theo ông, xu hướng ngược chiều nhau của chứng khoán và kinh tế quốc tế hiện nay là phi lý, vì vốn dĩ “thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế”.

Tỷ phú đầu tư Tepper nhận định, chứng khoán Mỹ đang bị định giá cao ở thời điểm hiện tại và là 1 trong 2 lần cao nhất lịch sử (trước đó là năm 1999). Đà tăng của thị trường chứng khoán đã đẩy P/E thị trường vượt hơn 20 lần mức cao nhất gần 20 năm qua trong bối cảnh quý đầu tiên có tới 86% các công ty trong S&P 500 báo cáo lợi nhuận giảm, đánh dấu quý tồi tệ nhất trong 11 năm. Trong khi đó, tình hình được dự báo có thể còn ảm đạm hơn khi nhiều phân tích cho rằng, lợi nhuận các công ty sẽ giảm 40,6% trong quý II, 23% trong quý III và 11,4% trong quý IV/2020.

Số liệu hàng tuần từ Bank of America cho biết, chỉ trong 1 tuần của tháng 5, các nhà đầu tư đã rút 16,2 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu công nghệ chứng kiến tuần bị rút vốn đầu tiên trong năm với 43 triệu USD, dù được hưởng lợi từ việc người dân làm việc tại nhà. Còn các quỹ đầu tư vàng và trái phiếu lợi suất cao có chuỗi nhiều tuần thu hút dòng tiền lớn. Chẳng hạn, có tới 32 tỷ USD chảy vào trái phiếu, trong đó rót vốn trực tiếp vào các quỹ trái phiếu là 11,3 tỷ USD, nhưng có tận 53,5 tỷ USD các loại tài sản chuyển sang thành tiền mặt.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng)

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Canada (Statscan), các nhà đầu tư Canada đã rút tiền khỏi các thị trường chứng khoán nước ngoài ở mức kỷ lục 42,2 tỷ đô la Canada (30 tỷ USD) trong tháng 3, đồng thời đã bán 29,3 tỷ USD cổ phiếu Mỹ. Đây là mức rút vốn lớn nhất kể từ khi Statscan thống kê. Nhà đầu tư Canada cũng đã bán hết 11,5 tỷ USD trái phiếu nước ngoài vào tháng 3 với gần một nửa trái phiếu kho bạc Mỹ. Còn các nhà đầu tư nước ngoài vào Canada cũng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Canada gần 10 tỷ USD vào tháng 3.

Tại Anh, trong tháng 5, đã phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất âm lần đầu tiên. Như vậy, Chính phủ Anh đang đi vay một cách hiệu quả với chi phí thấp, khi nhà đầu tư sẽ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra khi trái phiếu đáo hạn “bù thêm tiền” cho Chính phủ Anh.

Thông thường, người mua trái phiếu chính phủ là từ những nhà đầu tư lớn, ít khi có chuyện nhà đầu tư nhỏ lẻ mua, do lãi suất và cả lợi suất của trái phiếu chính phủ luôn ở mức thấp hàng đầu thị trường. Nhưng Chính phủ Anh vẫn làm được điều này, nhờ vào nhu cầu “phòng thủ” nắm giữ tiền mặt và tài sản an toàn, nên chấp nhận không có lãi của các nhà đầu tư lớn.

Cũng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2004 đến nay, theo số liệu từ Refinitiv, không có thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nào trị giá hơn 1 tỷ USD được công bố trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng giá trị của các thương vụ M&A toàn cầu giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 762,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Tổng số thương vụ M&A giảm 20% so với cùng kỳ, nhiều thương vụ bị hủy bỏ do các dòng tiền tập trung vào các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ và cả tiền mặt.

Dữ liệu của Capital Economics và WGC (Hội đồng Vàng thế giới) cho thấy, hầu hết các ngân hàng trung ương không có kế hoạch bán kho dự trữ vàng vốn đang tăng lên của họ bất cứ lúc nào trong 5 năm tới. Năm 2019, các giao dịch mua vàng cũng đạt mức cao nhất trong gần 60 năm qua, xấp xỉ 700 tấn.

WGC cho biết, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) toàn cầu tăng lượng vàng vật chất nắm giữ lên gần 3.000 tấn, mức cao nhất mọi thời đại (vượt năm 2012). Hiện các quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng ở Bắc Mỹ đang nắm giữ khoảng 1.500 tấn vàng, kế tiếp là các quỹ của châu Âu nắm giữ khoảng 1.250 tấn, các quỹ tại châu Á nắm giữ gần 90 tấn vàng và ở các khu vực còn lại là gần 50 tấn vàng.

Điều đặc biệt là, bối cảnh đầu tư của các quỹ ETF hiện nay khác rất nhiều so với giai đoạn 2012, khi 2/3 lượng nắm giữ toàn cầu tập trung ở Bắc Mỹ. Hiện đã bao gồm luôn các khu vực khác trên thế giới, khi các quỹ ETF tại Bắc Mỹ và châu Âu đang nắm giữ tương ứng tỷ lệ hơn 50% và gần 45%, phần còn lại đến từ các quỹ ở châu Á và các khu vực còn lại.

Còn trong năm 2020, theo số liệu từ Bloomberg, các nhà đầu tư đã đổ một lượng tiền mặt chưa từng có vào các quỹ vàng, với dòng tiền lên tới 16,8 tỷ USD trong vòng chưa đầy 5 tháng và lập kỷ lục trong một năm. Quỹ ETF của State Street trị giá 62 tỷ USD là SPDR Gold Trust đã nhận được gần 12 tỷ USD cũng cho thấy, các dòng tiền lớn vẫn tin tưởng vàng.

Với dữ liệu như trên, rõ ràng, các nhà đầu tư lớn hầu hết đều nắm giữ tài sản an toàn là chính, cùng với việc gia tăng dự trữ tiền mặt. Thế nhưng, thị trường chứng khoán vẫn phi vù vù cùng với vàng, USD. Việc 2 sản phẩm tài chính là vàng và USD gia tăng (USDX đã vượt 100 điểm) là khá rõ ràng do các dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức, người giàu thế giới đổ vào. Nhưng thị trường chứng khoán thì từ đâu?

Bệ đỡ từ các nhà đầu tư cá nhân

Ngược lại với các nhà đầu tư tổ chức lớn, các nhà đầu tư cá nhân đang giao dịch bùng nổ. Số liệu ở Mỹ cho thấy, đã có nhiều tài khoản đầu tư có đúng số “tiền trực thăng” 1.200 USD do IRS (Sở Thuế vụ Hoa Kỳ) phân phối cho người dân, để thúc đẩy chi tiêu, giúp phục hồi kinh tế trong thời kỳ suy thoái.

Robinhood - một ứng dụng đầu tư đã nhận thêm số tiền ký quỹ kỷ lục trong quý I/2020, lượng giao dịch hàng ngày tăng lên 300% so với cuối năm 2019. Hai nền tảng giao dịch khác là eToro và Raging Bull Trading ghi nhận nhu cầu đầu tư tăng vọt, lần lượt là 220% và 158%. Còn tại Wealthsimple Trade, lượng người dùng mới tăng kỷ lục 54% và tổng lượt giao dịch tăng 43%, bất chấp kinh tế toàn cầu lao dốc.

CEO của Wealthsimple Trade cho biết, 55% số người dùng mới của họ “có độ tuổi từ 34 trở xuống” và “nhiều người trẻ đang tìm kiếm những cơ hội mới để tăng thêm thu nhập hoặc bù lại những khoản lỗ trước đó”, “nhiều người đang ở nhà và có nhiều thời gian hơn, đồng thời một số người không may bị mất việc làm đang tìm kiếm những cơ hội mới trên thị trường, nhằm bù đắp thu nhập”.

Còn tại Philippines, Công ty Chứng khoán AAA Southeast Equities cho biết, số lượng khách mở tài khoản đã tăng gấp đôi. Theo COL Financial, nhiều người trẻ đứng đằng sau sự tăng vọt về số lượng tài khoản mở mới. Các công ty chứng khoán khác liên tục tổ chức các hội thảo cho nhà đầu tư mới và tung ra các video hướng dẫn giao dịch trên YouTube.

Tại Ấn Độ, hàng triệu nhà đầu tư mới xuất hiện nhờ lệnh phong tỏa. Theo Dịch vụ Lưu ký trung tâm Ấn Độ, có tới 1,2 triệu tài khoản mới được mở trong tháng 3-4, tăng từ mức 900.000 trong 2 tháng đầu năm. Số lượng tài khoản mới hàng tháng tăng gấp đôi kể từ tháng 2/2020 và 20% trong số đó là từ những nhà đầu tư dưới 30 tuổi, lần đầu tiên “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường.

Trong khi đó, tại Việt Nam, số tài khoản mở mới trong tháng 4 tăng hơn 15% so với tháng 3, gấp đôi so với tháng 2 và gấp 4 lần tháng 1. Người mở tài khoản mới chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỷ lệ cao nhất 2 năm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức lại thấp nhất 2 năm. Điều này cho thấy, dòng tiền đến với chứng khoán chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 15 tuần liên tiếp, thậm chí là 17 tuần (nếu loại trừ một tuần họ mua ròng một vài cổ phiếu lớn).

Như vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro xuất phát chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân đang là bệ đỡ chính cho thị trường. Còn nhà đầu tư lớn liên tục rút ra dưới dạng tiền mặt hoặc đổ vào tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu chính phủ.

Do đó, định giá của thị trường chứng khoán ngày càng cao xét theo P/E, vì P (giá) thì tăng vù vù trong khi các doanh nghiệp ngày càng khó khăn (EPS suy giảm). Việc thị trường chứng khoán đi ngược nền kinh tế diễn ra trong một khoảng thời gian dài với tốc độ cao là một rủi ro lớn cho các nhà đầu tư ngắn hạn.

Bên cạnh đó, HNX-Index có xu hướng ngược chiều với VN-Index giai đoạn gần đây (HNX-Index giảm khi VN-Index tăng và ngược lại) cũng là một cảnh báo xấu. Vì thế, nhà đầu tư nên vui khi vẫn kiếm được tiền, nhưng “vui thôi đừng vui quá”, “thà rơi nước dãi chứ đừng để rơi lệ”, để còn có thể đặt tay lên “chuột”, sẵn sàng bấm nút chốt bất cứ lúc nào một khi thị trường chuyển biến xấu trở lại và dòng tiền không còn đủ để đỡ thị trường nữa.

Theo Phan Dũng Khánh/baodautu.vn