Bamboo và Vietjet là hai trong số ít hãng hàng không trên thế giới đạt lợi nhuận dương năm 2020. Cùng đề xuất được vay ưu đãi, thậm chí Bamboo còn đề xuất vay tới 10.000 tỷ đồng song vẫn chưa được hồi âm.
“Con cưng” Vietnam Airlines
Như Vnbusiness đã đưa tin, ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.
|
Năm 2020 Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 40.600 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.
|
Cụ thể, NHNN sẽ tái cấp vốn 4.000 tỷ với lãi suất 0%, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất 0% này được áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn khi giải ngân hết 4,000 tỷ đồng nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng hạn và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy cho đến nay, mới có Vietnam Airlines được “giải cứu” khi tiếp cận được khoản vay 4.000 tỷ bổ sung vào nguồn vốn đang thiếu hụt.
Năm 2020 Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 40.600 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế của công ty mẹ lên tới gần 11.100 tỷ. Lưu chuyển tiền tệ trong kỳ cũng âm 6.379 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt giảm từ 76.455 tỷ đồng xuống còn 62.967 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm còn 6.141 tỷ đồng, lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2020 lên tới 9.260 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Vietnam Airlines vào khoảng 36.500 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản doanh nghiệp, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu - một tỷ lệ vô cùng nguy hiểm xét theo an toàn tài chính.
Việc dành cơ chế ưu đãi cho Vietnam Airlines có thể lý giải được là hành động “tự cứu mình” do đây là hãng hàng không quốc gia và cổ đông lớn nhất vẫn là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tỷ lệ 86,19%.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng Vietnam Airlines đã là doanh nghiệp cổ phần hoá trong đó có cổ đông nước ngoài là ANA Holdings (Nhật bản) nên mọi chính sách áp dụng cần có tính minh bạch, tạo công bằng cho tất cả các hãng hàng không, bao gồm cả hàng không tư nhân.
Vietjet, Bamboo đề xuất vay khủng nhưng chưa có hồi âm
Các chính sách cho hãng hàng không tư nhân vẫn bặt vô âm tín dù nhiều lần các hãng đề xuất được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ gấp.
Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA) trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có đề cập đến đề nghị của Bamboo Airways.
Cụ thể, Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…
Hãng Vietjet cũng đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng, kỳ hạn vay tới năm 2023, với lãi suất khoảng 4%/năm.
Tuy nhiên, đến nay các đề xuất này vẫn chưa có hồi âm dù Chính phủ đã quyết định tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng 4.000 tỷ, lãi suất 0% sau khi cho Vietnam Airlines vay.
|
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.
|
Đi sâu vào hoạt động của từng hãng bay mới thấy, mỗi hãng bay là một câu chuyện, nên có lẽ Chính phủ cần cân nhắc nhiều hơn về việc hỗ trợ như thế nào cho phù hợp với tình hình tài chính của từng hãng hàng không.
Như Bamboo Airways, dù trải qua cuộc khủng hoảng hàng không do đại dịch Covid-19 nhưng hãng bay vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2019. Năm 2019 Bamboo cũng lãi hơn 300 tỷ đồng. Như vậy, hãng hàng không non trẻ này kể từ chuyến bay đầu tiên đầu năm 2019 đến nay đều đi trên con đường được “trải đầy hoa”, cứ bay là có lãi.
Vào ngày 5/2/2021, Bamboo cũng tăng vốn điều lệ 3.500 tỷ lên mức 10.500 tỷ đồng. Được thành lập vào giữa năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 700 tỷ, đến nay Bamboo đã trở hành hãng hàng không có vốn lớn thứ 2 chỉ sau Vietnam Airlines (14.180 tỷ), gấp đôi Vietjet (mức 5.400 tỷ).
Bamboo chính thức không phải công ty con của Tập đoàn FLC khi sở hữu của tập đoàn này giảm xuống 39,4% từ ngày 5/2 năm nay.
Dù khủng hoảng hàng không nhưng Bamboo vẫn rất dư giả khi góp vốn vào loạt các dự án bất động sản của Tập đoàn FLC: Bamboo góp 1.045 tỷ, tương ứng 52,2% vào Dự án cung cấp dịch vụ mặt đất tại ba cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng; Góp 450 tỷ đồng vào Khu nghỉ dưỡng FLC Luxury Resort Vĩnh Phú; Góp 1.000 tỷ vào Khu văn hoá đa năng Vĩnh Thịnh An Tường; Góp 400 tỷ vào FLC Lux City Quy Nhơn; Góp 400 tỷ vào FLC Sea Tower Quy Nhơn; Góp 300 tỷ vào Khu du lịch sinh thái Vạn Tường (Quảng Ngãi); Góp 300 tỷ vào Tổ hợp giải trí và nhà phố Dự án FLC tại Kon Tum; Góp 250 tỷ vào Tổ hợp khách sạn tại tỉnh Gia Lai…
Ngoài ra hãng hàng không này góp 305 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà xưởng cung cấp thức ăn hàng không; Góp 515 tỷ vào dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways.
Các dự án đầu tư này lên tới gần 5.000 tỷ, chiếm gần một nửa vốn điều lệ của Bamboo.
Vietjet năm 2020 đạt doanh thu hợp nhất chỉ 18.210 tỷ đồng, giảm tới 64% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, công ty mẹ lỗ tới 2.092 tỷ đồng, giảm 167% so với năm trước.
Theo ban lãnh đạo Vietjet, dù kết quả hợp nhất thoát lỗ và đạt lợi nhuận 70 tỷ đồng nhờ cơ cấu bán lại tài sản và tăng cường vận chuyển hàng hoá, phát triển dịch vụ phụ trợ, cắt giảm chi phí, cơ cấu bán tài sản tích luỹ từ những năm trước… để bù đắp cho sự sụt giảm của lượng hành hách.
Bamboo và Vietjet là hai trong số ít hãng hàng không trên thế giới đạt lợi nhuận dương năm 2020. Dù có vốn điều lệ tăng nhanh nhất nhưng Bamboo có số lượng vận chuyển hành khách thấp nhất trong ba hãng hàng không.
Hãng hàng không Việt vẫn dự lỗ 15.000 tỷ năm 2021
Ngành hàng không thế giới và Việt Nam đã trải qua cuộc khủng hoảng hàng không nặng nề nhất trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bao trùm thế giới khiến các quốc gia đóng cửa, phong toả các thành phố. Kết quả là nhiều hãng hàng không phá sản như AirAsia Nhật Bản, Norwegian Air, Virgin Australia… Theo CNN, năm 2020 có khoảng 20 hãng hàng không ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản như German Airways (Đức), Avianca (Colombia), South African Airways (Nam Phi)...
Thai Airways (Thái Lan) bên bờ vực phá sản khi nợ tới 7,6 tỷ USD. Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc HNA Airlines cũng phải đối mặt với khoản nợ lớn tới hạn. Trong thông báo mới nhất, tập đoàn này cho biết, các chủ nợ đã nộp đơn lên tòa án yêu cầu tập đoàn tuyên bố phá sản và tiến hành tái cơ cấu do HNA Group không thể trả hết các khoản nợ tới hạn.
Về phía trong nước, hãng hàng không Việt cũng trải qua một năm vật lộn trong đại dịch Covid-19. Tuy vậy, do Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên các hãng hàng không ít gặp khó hơn so với các nước trên thế giới, đặc biệt quý cuối năm có sự hồi phục đáng kể.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Do năm 2020 các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền, nên năm 2021 các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền.
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.
Bạch Huệ/VNBusiness
https://vnbusiness.vn/goc-nhin/vietjet-bamboo-bao-lai-ngam-ngui-nhin-vietnam-airlines-nhan-4-000-ty-lai-suat-0-1077422.html