Chân dung “Bầu” Đệ - Ông chủ Hợp Lực

09/06/2019 13:35

Bắt đầu từ dự án xây khách sạn, ông Nguyễn Văn Đệ, doanh nhân xứ Thanh chuyển sang đầu tư bệnh viện.

Đầu tháng 7, hơn 20 giám đốc bệnh viện tư nhân trên cả nước về Thanh Hóa họp bàn việc hình thành hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam. Với vai trò trưởng ban vận động thành lập hiệp hội gồm 56 thành viên này, ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch công ty Hợp Lực, giám đốc bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ở Thanh Hóa, ngồi ghế chủ tọa, điều hành hội nghị trù bị.

Ông Nguyễn Văn Đệ (giữa) và ông Hoàng Mạnh Trường của đội bóng xi măng Vissai Ninh Bình
Ông Nguyễn Văn Đệ (giữa) và ông Hoàng Mạnh Trường của đội bóng xi măng Vissai Ninh Bình)

Hơn nửa năm qua, ông chủ bệnh viện có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng này thường xuyên ra Hà Nội kiến nghị về các vấn đề bức xúc trong ngành như chuyện xếp hạng thiếu công bằng, cạnh tranh không bình đẳng. Quyết định ngày 11.6.2014 của bộ Nội vụ cho phép thành lập hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam được ông Đệ đánh giá là cơ sở pháp lý để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh dựa trên cạnh tranh công bằng. Ông Đệ nói rằng việc thành lập hiệp hội cũng giống với cách ông huy động vốn để khởi nghiệp ở tuổi ngoài 40. “Điều quan trọng là tôi biết kết hợp với người khác để cùng tạo ra lợi ích chung.”

Những khúc rẽ ngang trong sự nghiệp kinh doanh phần nào cho thấy khả năng chớp thời cơ của ông Nguyễn Văn Đệ. Năm 2003, đang xây dở khách sạn đến tầng thứ tư trên miếng đất ông thuê, khi biết có chính sách miễn thuế sử dụng đất cho dự án xã hội hóa y tế, ông chuyển hướng sang xây bệnh viện. Chưa có kinh nghiệm trong ngành y, ông Đệ “tự mày mò học hỏi khắp nơi, tìm hiểu mô hình, quy trình quản lý, đặc thù ngành nghề từ các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.”

Ông kể: “Tôi đi Thái Lan, Nhật, Đức… để tham dự các khoá học ngắn ngày. Quá trình ấy mất tới ba, bốn năm.” Hai năm sau khi chuyển hướng, toà nhà 17 tầng của bệnh viện Hợp Lực được khai trương, trên tổng diện tích đất 10.000m2. Đến nay, bệnh viện 400 giường bệnh, với 16 khoa và ba phòng chức năng, thu dụng 520 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên làm việc, thuộc tốp đầu về quy mô trong khối bệnh viện tư ở Việt Nam.

Trong vòng 10 năm, ông Nguyễn Văn Đệ xây dựng mô hình khép kín từ đào tạo cho tới khám, chữa bệnh và cung ứng thiết bị, thuốc. Bên cạnh bệnh viện, ông lập công ty dược – vật tư y tế năm 2007. Từ năm 2009, ông Đệ mở trường trung cấp y dược Hợp Lực, mỗi năm có trên 1.000 sinh viên theo học. Đây là nơi cung cấp một phần nhân lực cho bệnh viện Hợp Lực.

Có mặt tại hội nghị trù bị thành lập hiệp hội Bệnh viện tư nhân, ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc chuyên môn của bệnh viện Thành Anh - Thăng Long ở Bắc Ninh, cho rằng, điểm tích cực ở bệnh viện của ông Đệ là cơ sở vật chất khá tốt và y, bác sĩ ở đây không vòi vĩnh phong bì của người nhà bệnh nhân.

Năm 1993, ông Nguyễn Văn Đệ xin nghỉ hưu sớm, sau khi phục vụ qua nhiều công việc như công an hộ tịch, lái xe cứu hoả, cảnh sát cơ động và hậu cần. Từng có 16 năm lái xe trong quá trình công tác, ông Đệ xác định “không theo con đường chính trị thì phải theo con đường kinh tế.” Ông vào Nam buôn bán đường dài. Ông kể: “Lúc ấy tôi chỉ có khoảng 10 triệu đồng, dùng xe thuê. Số tiền ấy nhỏ, nhưng tôi có ý chí làm lớn.” Sau ba năm làm đủ nghề như chở gạo ra Bắc, buôn trái cây, chở phân đạm cho nhà nông, ông Đệ mua được chiếc xe Kamaz trị giá 60 triệu đồng và dư ra khoảng 20 triệu đồng làm vốn.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng: Mong muốn Hoàn Mỹ - ảnh 3

THEO SUY NGHĨ CỦA TÔI THÌ DÙ CÓ ĐỤNG ĐẾN NỒI CƠM CỦA KẺ KHÁC MÀ MANG LẠI TIẾN BỘ XÃ HỘI THÌ CÓ CHẾT TÔI CŨNG LÀM. - ông Nguyễn Văn Đệ

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng: Mong muốn Hoàn Mỹ - ảnh 3

Năm 1996, nhận thấy các phương tiện vận tải lúc đó manh mún, ông thành lập hợp tác xã vận tải, tiền thân của công ty cổ phần Hợp Lực sau này, và kêu gọi các xã viên góp vốn. Ông nói: “Khi khởi nghiệp, tôi không có vốn, nhưng có uy tín nên người ta mới cho vay. Để xây dựng được cơ ngơi như bây giờ, tôi vay mượn từ bạn bè là chính và một phần huy động từ xã hội.”

Từ 25 xe trong năm đầu, đến năm thứ hai, hợp tác xã có 100 xe. Ông kể: “Do cơ chế và những cản trở trong cạnh tranh, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vừa làm, vừa phải kiến nghị. Theo suy nghĩ của tôi, thì dù có đụng đến nồi cơm của kẻ khác mà mang lại tiến bộ xã hội thì có chết tôi cũng làm.”

Nhờ vốn liếng tích luỹ được từ kinh doanh vận tải trong gần chục năm, với thị phần vài năm đầu thuộc hàng lớn nhất tỉnh, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ có tiền để đầu tư xây khách sạn, sau thành bệnh viện Hợp Lực. Tập trung vào y tế, nhưng ông Đệ vẫn duy trì hoạt động vận tải với hai đơn vị là hợp tác xã và công ty Sơn Vũ, hiện do con trai thứ của ông là Nguyễn Văn Tuấn quản lý. Riêng với “giấc mơ khách sạn” thì cách đây ba năm, ông Đệ đã xây được khách sạn ba sao Phù Đổng, ngay bên quảng trường Lam Sơn.

Báo cáo gửi xét duyệt giải thưởng Sao Đỏ cho con trai cả của ông Đệ là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1980, đang là tổng giám đốc của Hợp Lực, cho thấy thu nhập bình quân của công nhân, nhân viên tổng công ty là 4,8 triệu đồng trong năm 2013. Với mức lương như vậy, sao tránh khỏi việc y, bác sĩ nhận phong bì, “chân trong chân ngoài” ra mở phòng khám tư? Ông Đệ bảo: “Mức lương trung bình, của y, bác sĩ cao hơn. Để môi trường bệnh viện được đảm bảo không có tiêu cực, đội ngũ nhân sự có y đức, tận tâm với nghề thì phải có cơ chế đãi ngộ hợp lý. Bệnh viên Hợp Lực không chấp nhận việc bác sĩ vòi phong bì và cũng không chấp nhận việc bác sĩ mở phòng khám làm thêm.”

Ông Đệ cho biết cách để Hợp Lực làm được việc này là xây dựng môi trường không có chuyện chạy chọt, tiêu cực khi tuyển đầu vào, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tốt hơn so với mặt bằng chung, để nhân sự yên tâm gắn bó. “Để xem một công ty có hoạt động tốt, ổn định không, bạn cứ xem công ty đó chi mỗi năm bao nhiêu tiền cho an sinh, bảo hiểm của nhân viên. Với công ty tôi, con số này hằng năm là hơn 10 tỉ đồng,” ông lý giải.

Ông chủ Hợp Lực còn là ông bầu của câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa.
Ông chủ Hợp Lực còn là ông bầu của câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa.)

TRONG VÀI THÁNG TỚI, BÊN CẠNH BỆNH VIỆN HỢP LỰC LÀ VIỆN SPA VÀ THẨM MỸ cùng tên do con gái út của ông Đệ, Nguyễn Bảo Uyên, sinh năm 1992, từng du học ở Anh, quản lý. Ngoài trụ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Thanh Hoá, Hợp Lực có thêm phòng khám đa khoa tại khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, là quê hương ông Đệ. “Tôi có mong ước sẽ xây dựng được một bệnh viện mới ở quê nhà,” chủ tịch Hợp Lực cho biết và tự nhận: “Tôi là con người hay xông vào những nơi khó khăn, mạo hiểm, làm việc xã hội ít người làm”.

Không đam mê bóng đá, nhưng ông Đệ có ba năm đảm đương cương vị chủ tịch đội bóng đá Thanh Hoá, đội thuộc tốp ba dẫn đầu V-League mùa giải năm nay. Ông cho biết, mình nhận làm vì tỉnh giao phó. Nhờ uy tín cá nhân và cách đầu tư bằng việc mua cầu thủ, tuyển ngoại binh, công khai cơ chế thưởng – phạt mà điển hình là buộc tuyển thủ Văn Thắng phải nộp phạt cho đội bóng 500 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng… bầu Đệ đã vực được đội bóng đang xuống dốc trở thành một trong những đội bóng mạnh của hai mùa giải gần đây.

Trong buổi chiều muộn, sau khi giải quyết hàng loạt công việc của bệnh viện, lái xe đưa ông Đệ tới công trường xây dựng đài hoá thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên, dự án thuộc Hợp Lực để ông trực tiếp kiểm tra công trình, đôn đốc nhân công. Nằm trong khuôn viên 3,2 héc ta, với tổng đầu tư 150 tỉ đồng, ông Đệ cho biết mình tự tay thiết kế kiến trúc hạ tầng. Vào công trường, ông tỉ mỉ chỉ đạo việc chăm sóc từng gốc cây, vườn hoa, thậm chí là dọn bàn uống nước cho gọn gàng.

Trong lúc ngồi chờ trời ngớt mưa, nhà kinh doanh ngoài lục tuần này nhắn từng số điện thoại gửi cho người nhờ hỏi. Trông dáng vóc bệ vệ và mí mắt hơi sụp xuống của ông, người đối diện dễ có cảm giác ông chậm chạp, khó đoán biết tâm lý; nhưng hễ vào việc và giao tiếp, cử chỉ của ông linh hoạt, đi lại thoăn thoắt.

Kỷ niệm cuộc đời đáng nhớ nhất của bầu Đệ là hai lần chết hụt. Một lần bị 16 tấn gạo đè khi lật xe, nhờ người dân tới tấp nhảy vào “hôi của” mà ông thoát nạn. Lần thứ hai, ông là một trong 5 người có mặt trong chuyến xe công tác sang Lào, bị trượt dốc, lao hàng chục mét xuống suối. Ông Đệ bảo: “Số trời đã định cho tôi được sống, nên tôi tự nhủ mình phải làm được điều gì tốt đẹp cho đời.”

Tác giả BÙI DŨNG - ẢNH: QUANG MINH
Theo Forbes Việt Nam

Nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/bau-de-ong-chu-hop-luc-6426.html

Bạn đang đọc bài viết "Chân dung “Bầu” Đệ - Ông chủ Hợp Lực" tại chuyên mục Doanh nhân.