Chủ tịch TTC Sugar Huỳnh Bích Ngọc: “Vàng bạc” từ mía đường còn nhiều lắm!

14/12/2020 09:46

Tháng 10.2020 là vừa tròn một năm bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) quay lại đảm đương thêm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) trong bối cảnh thị trường bất lợi, còn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực với ngành đường, từ ngày đầu tiên của năm 2020.

Hạn ngạch dỡ bỏ. Hàng rào thuế hạ xuống còn 5% từ mức 40% - 80% tùy chủng loại. Cánh cửa hội nhập mở rộng làm dấy lên ở đâu đó những lo ngại cho vận mệnh ngành, gắn chặt với cơm áo của hàng trăm ngàn hộ nông dân.

Bà Huỳnh Bích Ngọc trong cuộc trò chuyện riêng với Người Đô Thị


Mía đường ngọt lại sau một năm bà Huỳnh Bích Ngọc trực tiếp điều hành. Chỉ riêng hai quý đầu năm, doanh nghiệp này cán mốc tiêu thụ 1 triệu tấn đường trong khi quy mô thị trường nội địa dao động trong khoảng 1,8 - 2 triệu tấn đường/năm. Thị trường xuất khẩu tăng trưởng 500%, vươn tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý niên vụ 2019 -2020 sản lượng đường hữu cơ (organic) đạt 38 ngàn tấn đến từ nhà máy tại Lào. Dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao phát tín hiệu về cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng. Kế hoạch năm tới, riêng đường, TTC Sugar đặt mục tiêu xuất khẩu từ 300.000 đến 350.000 tấn.

Cạnh tranh là động lực phát triển 

TTC Sugar được xem như doanh nghiệp dẫn dắt ngành đường. Thế nên sức khỏe của doanh nghiệp này là một chỉ báo quan trọng đo lường khả năng chịu đựng của ngành này khi rời xa vòng tay bảo hộ của Nhà nước.

Sau quyết định lùi thời hạn 2 năm, Chính phủ chính thức mở cửa thị trường đường cho khu vực ASEAN theo cam kết đã ký tại ATIGA từ 1.1.2020. TTC Sugar đã tận dụng khoảng thời gian này như thế nào để giải quyết bài toán năng suất, được xem như yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh?

Cũng như những doanh nghiệp khác, chúng tôi có thêm 2 năm chuẩn bị theo chuỗi khép kín từ cánh đồng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Với TTC Sugar, dù có ATIGA hay không thì doanh nghiệp vẫn phải chủ động nâng năng lực theo xu thế hội nhập thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Từ nhiều năm trước, chúng tôi không chỉ chủ động chuẩn bị cho mình mà còn vận động các bên liên quan thay đổi nhận thức cạnh tranh theo hướng bền vững, xác định tâm thế tham gia cuộc chơi sòng phẳng với các cường quốc mía đường trong khu vực trên thế giới.

Về phần mình, TTC Sugar củng cố nội lực, đòi hỏi đầu tư bài bản, dài hơi từ công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân sự, áp dụng công cụ trong quản lý điều hành trên cơ sở tư duy quản lý, quản trị, phương thức kinh doanh tiệm cận với thông lệ quốc tế…

Quá trình tích lũy không dễ, nhất là với ngành nông nghiệp vốn có truyền thống tự thân vận động từ khi đất nước thực hiện chính sách Đổi mới. Chính phủ gia hạn hiệu lực thêm hai năm theo hiệp định là hỗ trợ chính sách thiết thực. Đến giờ mà ngành đường còn bàn đến chuyện cải thiện năng suất thì tôi e rằng không còn kịp nữa.

  Bà Huỳnh Bích Ngọc trên cánh đồng mía của TTC Sugar, đã xây dựng hệ sinh thái khép kín nhằm tạo ra các sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng xanh, sạch theo xu hướng phát triển của thế giới. Ảnh: TLNV


Chúng tôi đã chuẩn bị xong phần nội lực và bây giờ là tập trung điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với sân chơi mới. Đó là lý do đầu năm nay chúng tôi kết hợp với đối tác giàu kinh nghiệm là KPMG khởi động dự án “Transform SBT” (SBT là mã chứng khoán của TTC Sugar), ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) trong giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình chuyển đổi số đến lúc cần phải xây mới, thay vì “cơi nới” như đã từng.

Cụ thể thì cánh đồng TTC Sugar đã thay đổi như thế nào? 

Nhiều nhóm giải pháp kỹ thuật xuất phát từ Trung tâm Nghiên cứu mía đường thuộc TTC Sugar. Nông dân được phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy trình trồng mía chuẩn. Cày sâu giúp cây mía đứng vững, sinh trưởng tốt hơn nhờ khả năng giữ ẩm. Thời điểm xuống giống tối ưu tập trung vào ba tháng cuối năm.

Thay vì hàng đơn, cánh đồng nguyên liệu trồng mía hàng đôi, mật độ canh tác dày hơn. Lứa mía non chậm lớn lập tức được thay thế, đảm bảo cánh đồng phát triển đồng đều. Những thẻo đất dư cũng được tận dụng trồng mía hố.

TTC Sugar hiện có hơn 50 dòng sản phẩm, không chỉ phục vụ người tiêu dùng cuối cùng, mà còn trở thành đầu vào trong ngành sản xuất nước ngọt, sản xuất sữa dành cho phụ nữ mang thai… Thêm nữa, duy có sản phẩm từ hai nhà máy ở Tây Ninh và Biên Hòa đủ tiêu chuẩn phục vụ ngành dược trong nước. 

Khoảng cách giữa các liếp mía trồng hàng đôi xen canh đậu xanh, đậu nành. Ngoài khoản hoa lợi phụ trội ngoài mía dao động từ 5 - 10 triệu đồng trên mỗi hécta, cây họ đậu sau thu hoạch phối trộn với phân gia súc, gia cầm làm dưỡng chất hữu cơ cho mía. Cũng nhờ xen canh mà cỏ dại không còn đất sống, vừa tiết giảm chi phí phun thuốc diệt cỏ, vừa thuận theo mục tiêu “sản xuất xanh ra sản phẩm sạch”.

Nông nghiệp hướng hữu cơ là môi trường tốt cho sâu bệnh, bị khắc chế bằng thiên địch, cụ thể là giống ong mắt đỏ. Đầu tư vào chất xám còn giúp chúng tôi chủ động sản xuất được chế phẩm sinh học có giá thấp hơn thị trường 90%. Giá bán lẻ 200 ngàn đồng/lít khuyến khích nông dân sử dụng. Những vùng nguyên liệu khí hậu khô nóng được bổ sung gel giữ ẩm.

Niên vụ 2019 - 2020, những khu vực canh tác ứng dụng quy trình trồng mía chuẩn ghi nhận tăng trưởng năng suất, từ mức 65 tấn/ha lên 75 - 80 tấn/ha, nhỉnh hơn mức bình quân của Thái Lan. Theo lộ trình, chúng tôi sẽ hoàn tất áp dụng phương pháp canh tác mới trong hai năm tới.

Năng suất đầu vào khá triển vọng. Vậy còn năng suất đầu ra, cụ thể là chữ đường, trong tương quan với người Thái? 

Chữ đường đã được cải thiện lên mức 10ccs, trong khi Thái Lan dao động khoảng 12 - 13ccs (Theo Bangkokpost, chữ đường bình quân của Thái Lan tại thời điểm 2018 là 12,28ccs - NV).  Cơ hội tăng chữ đường phụ thuộc vào giống và kỹ thuật canh tác. Nút thắt này khiến tôi còn nhiều trăn trở.

Nghe nói Chính phủ Thái Lan đầu tư khá mạnh cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Bản chất là một hình thức trợ cấp cho ngành mía đường mà không vi phạm những cam kết quốc tế? 

Không chỉ R&D, Chính phủ Thái Lan còn nhiều hình thức hỗ trợ cho ngành mía đường. Có một thực tế là giá bán lẻ tại thị trường Thái Lan lại cao hơn giá xuất khẩu. Có thể đây là một hình thức tài trợ chéo nhằm tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Theo tôi biết, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đang xem xét vấn đề này.

Niên vụ 2019 - 2020 sản lượng đường hữu cơ (organic) của TTC Sugar đạt 38 ngàn tấn đến từ nhà máy tại Lào. Ảnh: TLNV


Nhìn lại ngành đường trong nước ghi nhận một số doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, theo bà, công suất nhà máy cỡ nào thì doanh nghiệp có lợi thế kinh tế theo quy mô? 

Công suất nhà máy dưới ba ngàn tấn mía nguyên liệu/ngày không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, khó khăn của ngành đường trong ba năm trước thời điểm ATIGA có hiệu lực do cú sốc kép. Giá thế giới rớt trong khi cơ quan chức năng không kiểm soát được đường thẩm lậu.

Giá đường thấp kéo tụt giá mía nguyên liệu, khiến nông dân nhiều vùng bỏ ruộng. Đương nhiên, TTC Sugar cũng chịu tác động. Chồng tôi (doanh nhân Đặng Văn Thành - NV) thường nói nông dân và doanh nhân như môi với răng, cố gắng thu xếp để giữ nông dân ở lại trên cánh đồng.

Khi TTC Sugar không chỉ có đường  

Theo Hiệp định biên giới Việt Lào, hạn ngạch 50 ngàn tấn đường/năm có thuế suất nhập khẩu chỉ 2,5%. Thông tư 08/2015/TT-BCT do Bộ Công Thương hướng dẫn đường nhập khẩu theo hiệp định này chủ yếu từ Nhà máy đường Attapeu từng thuộc sở hữu của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức. Năm 2017, TTC Sugar mua lại nhà máy này. Nhưng giá trị cộng thêm không phải yếu tố then chốt để TTC Sugar vươn ra khu vực.

Ngoài vùng nguyên liệu trong nước, TTC Sugar còn mở rộng hoạt động sản xuất mía đường sang Campuchia và Lào. Chủ trương này có ý nghĩa như thế nào đối với TTC Sugar? 

Không dừng lại ở phạm vi trong nước, chúng tôi định hướng TTC Sugar sẽ là một đơn vị mía đường khu vực Đông Dương. Không đơn thuần vì mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển sang các nước Lào, Campuchia, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn là chiến lược phát triển bền vững của TTC Sugar theo đuổi, đưa thương hiệu Việt bay cao và bay xa, nâng tầm ảnh hưởng ra các nước bạn, góp phần giải quyết bài toán kinh tế, cũng như công ăn việc làm cho cả khu vực Đông Dương.
Hiện nay, Lào là nơi chúng tôi quy hoạch để phát triển chính các dòng sản phẩm đạt chuẩn organic. Sản lượng đường organic để xuất khẩu đến các thị trường cao cấp như châu Âu, Nhật Bản với giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với sản phẩm thông thường.

Chúng tôi đầu tư xây dựng một hệ sinh thái khép kín ở Lào và Campuchia nhằm tạo ra các sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng xanh, sạch theo xu hướng phát triển của thế giới. Ở những vùng đất mới này chúng tôi có đủ điều kiện tổ chức một khu vực sản xuất hiện đại mà trong đó vùng nguyên liệu lớn và tập trung chỉ là một trong các yếu tố quan trọng.

Không dừng lại ở phạm vi trong nước, TTC Sugar định hướng sẽ là một đơn vị mía đường khu vực Đông Dương. Ảnh: TLNV


Liệu có thể kỳ vọng nâng cấp chuỗi giá trị ngành đường? 

Chuỗi giá trị ngành đường rất rộng và đa dạng, nếu không muốn nói là cực kỳ tiềm năng để khai thác. “Vàng bạc” từ đường còn nhiều lắm, không thể bỏ phí. Sở dĩ người ta chưa thấy được sự hấp dẫn là bởi vì hầu hết doanh nghiệp mía đường Việt Nam chưa đầu tư khai thác hết các khâu trong chuỗi giá trị, đặc biệt là các phần có giá trị gia tăng lớn như sản phẩm cạnh đường và sau đường. Chúng ta chỉ mới tập trung vào sản phẩm đường và xem nó như là phần chính của chuỗi giá trị mà bỏ quên phần còn lại, thậm chí xem như phế phẩm.

Sau khi nghiên cứu rất kỹ các mô hình được đánh giá là tương đối thành công ở Brazil, Thái Lan và Úc, tôi đã chắt lọc những phần phù hợp nhất với điều kiện của mình khi thiết kế chuỗi giá trị đường cho TTC Sugar. Quá trình chưng cất mía đường ở nhiệt độ cao ngưng tụ nước hương mía.

Phụ phẩm thứ hai là mật rỉ, dùng để sản xuất cồn. Kế tiếp là tro lò, bã bùn làm phân bón. Bã mía vừa phát điện, vừa làm giá thể để trồng hoa lan, nấm. Chưa kể trong cây mía còn có dưỡng chất có thể sử dụng sản xuất thuốc đặc trị. Nếu nghiên cứu thành công, giá trị gia tăng còn cao hơn nhiều lần sản xuất đường. Nhưng TTC Sugar sẽ không dừng lại ở cây mía. Chắc chắn!

Mẹ và con gái: chờ phiên đổi gác

Giới doanh nhân vẫn thường gọi bà là “Nữ hoàng mía đường”. Con gái bà - chị Đặng Huỳnh Ức My - được tôn xưng tương ứng là “công chúa mía đường”, hiện cũng đang tham gia điều hành TTC Sugar, bà đã có sự chuẩn bị như thế nào cho cuộc chuyển giao thế hệ?

Tôi vô cùng cảm ơn vì mọi người đã quan tâm đến tôi, đến gia đình Đặng gia cũng như TTC. Có thể nói có được thành công như ngày hôm nay, chúng tôi phải đặt lòng cảm kích với rất nhiều sự ủng hộ chí tình và đồng hành của rất nhiều quý cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, đối tác và sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân, bởi họ luôn dành cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt.

Tuy nhiên, tôi coi việc kinh doanh như một công việc bình thường như bao nhiêu công việc khác. Tính tôi thích kinh doanh từ nhỏ, và phải bươn chải với ruộng đồng cũng như nhiều công việc để mưu sinh, vì vậy tôi rất “thấm” cái giá của sự thành công và sự cộng hưởng từ gia đình. Ức My cũng vậy. Con gái giống tôi, không e ngại khó khăn, thử thách. Chặng đường TTC Sugar đã trải qua có phần công sức của Ức My, tham gia tái cấu trúc, áp dụng công nghệ vào quản lý, sử dụng các giải pháp tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế để đưa TTC Sugar đi xa hơn.

Dù vai trò của giới doanh chủ đang ngày càng được đề cao nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ thông qua việc kinh doanh mà tìm cho mình tên tuổi hay vị trí gì. Cho dù có làm gì thì cũng là làm cho gia đình, nơi tôi là vợ và là mẹ. Việc Ức My tham gia vào điều hành không phải vì đam mê những hào nhoáng của nghề doanh nhân mà khởi nguồn từ thương mẹ. Kinh doanh, mà đặc biệt là làm sản xuất, thì vất vả vô chừng.

Từ chỗ muốn đỡ đần mẹ, con gái tôi thành nghề. Từ nghề thành nghiệp. Thế nên nói chuyện chuyển giao nghe có phần “to tát” quá.

Bà Huỳnh Bích Ngọc và con gái - Đặng Huỳnh Ức My, đang tham gia điều hành TTC Sugar. Ảnh: TLNV


Quá trình này diễn ra tự nhiên. Chúng tôi cùng làm cùng học lẫn nhau. Ức My học từ mẹ kinh nghiệm - chuyện nghề, nhưng tôi cũng phải lắng nghe và cập nhật cùng con các kiến thức quản trị điều hành hiện đại và bài bản.

Việc chuyển giao, theo cách mà bạn nói, theo tôi mấu chốt nằm ở “bên giao”. Rào cản lớn nhất là từ “bên giao” chứ không phải “bên nhận”. Trong mắt cha mẹ, con cái mãi mãi còn non nớt, còn trẻ dại. Tâm lý này ảnh hưởng rất lớn ở những công cuộc chuyển giao sự nghiệp của các gia đình doanh nhân, một phần cũng vì thế hệ đi trước va vấp nhiều, nghề doanh nhân lại quá nhiều thử thách nên thường trực nỗi lo cho con cái. Rất nhiều trường hợp “chuyển” mà không “giao”.

Tôi nghĩ ai cũng phải va vấp rồi mới lớn. Ban đầu giữa tôi và con gái cũng có nhiều bất đồng, nhưng may mắn con rất kiên nhẫn với tôi. Kiên nhẫn tháo dỡ cái rào cản là tính bảo thủ và sự mâu thuẫn của chính tôi đối với sự trưởng thành của con. Cha mẹ luôn mong con trưởng thành, luôn mong con độc lập nhưng mâu thuẫn ở chỗ độc lập, trưởng thành dưới sự bảo bọc, hoặc “chỉ đạo” của cha mẹ. Tôi đã vượt qua được rào cản này, và lắng nghe nhiều hơn để đồng hành cùng con trong chặng đường sắp tới của TTC Sugar.

Con người ai cũng có cái tôi, ai cũng muốn khẳng định mình. Giới doanh chủ cái tôi càng lớn. Để có những cuộc chuyển giao thế hệ hiệu quả, người đi trước đôi khi phải biết lùi, đặt cái tôi của mình sang một bên để thế hệ tiếp theo có đất diễn. Con cái không thể thành công nếu cứ mãi sống dưới cái bóng quá lớn của mình.

Là thế hệ kế thừa, chị Ức My liệu đã sẵn sàng?

Đặng Huỳnh Ức My: Tôi là người đơn giản và thực tế. Đối với TTC Sugar, trước hết, Tôi xem việc tham gia điều hành là trách nhiệm đối với công việc chung của gia đình. Bây giờ là đỡ đần nhưng tương lai tôi phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của TTC Sugar.
Có thể do gen di truyền, tôi luôn thấy yêu thích việc kinh doanh và luôn thấy hào hứng với các “game khó”. May mắn là tôi và mẹ hiểu được thế mạnh của nhau nên thực tế việc “chuyển giao” đã biến thành một giai đoạn “kế thừa và phát triển” liên tục trong suốt gần 5 năm vừa qua. Và sản phẩm chung của mẹ và tôi chính là TTC Sugar mạnh mẽ, hiện đại mà các bạn đã thấy ngày hôm nay với cột mốc doanh số 1 triệu tấn đường. Đây là con số mà cách đây vài năm chưa doanh nghiệp nào dám nghĩ tới.

*

Một trong những mục tiêu mà TTC Sugar hướng tới trong giai đoạn 2021 - 2025 là doanh thu 1 tỉ USD từ đường. Những năm gần đây, mía đường không còn vị thế độc tôn trong những thông điệp phát đi từ lãnh đạo cấp cao TTC Sugar. Thay vào đó là chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh đường và sau đường. Trước mắt là chuối. Vùng trồng sẽ được tổ chức tại Bình Phước và Đồng Nai.
“Có người nói sao cứ thấy tôi luôn bị cuốn hút vô chuỗi giá trị cạnh đường và sau đường như vậy, tôi chỉ có thể nói: “Có lẽ trong máu tôi có đường!”,  Chủ tịch TTC Sugar Huỳnh Bích Ngọc cười rất vui, cho biết.

Thực hiện: Khuê Anh  Ảnh: Trung Dũng

Không chỉ chuyên tâm sản xuất, và thực tế đã trở thành một doanh nghiệp lớn uy tín trong giới kinh doanh, Tập đoàn TTC còn là thành viên rất tích cực trong các hoạt động nhiều năm qua của Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing.

Trong gần 4.000 căn nhà cho cựu chiến binh Hà Giang và bà con nghèo các tỉnh, hàng chục cây cầu nông thôn, hàng trăm con bò giống và heo giống cho các hộ khó khăn ở vùng biên giới, 3.500 áo phao cho ngư dân miền Trung và Nhà giàn DK1 mà Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing đã vận động được trong ba năm qua có phần đóng góp rất hiệu quả của TTC. Riêng TTC các năm qua đều tài trợ hàng trăm học bổng cho học sinh, hàng trăm ca mổ mắt tại tỉnh Bến Tre...

Chủ tịch TTC Sugar Huỳnh Bích Ngọc trong một chương trình từ thiện của Nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing. Ảnh: CTV

Theo Người Đô Thị
https://nguoidothi.net.vn/chu-tich-ttc-sugar-huynh-bich-ngoc-vang-bac-tu-mia-duong-con-nhieu-lam-26015.html