Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: Phẩm chất hàng đầu của người trí thức là yêu tự do và tôn trọng chân lý

09/05/2020 15:00

Số phận cho ông Huỳnh Bửu Sơn giữ một vai trò khá đặc biệt từ lúc miền Nam giải phóng cho đến hôm nay. Đầu tiên, ông là người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia trao lại cho quân tiếp quản, sau đó, ông trở thành nhà cải tổ ngân hàng xuất sắc, người góp sức soạn thảo Pháp lệnh Ngân hàng đầu tiên và đưa ra những đóng góp quan trọng trong thời kỳ đổi mới.
Điều gì khiến một trí thức độc lập chế độ cũ đem hết sức mình cống hiến cho công cuộc cải cách kinh tế của đất nước sau giải phóng? 

Ở trong nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, ông lại cùng hợp sức để nghiên cứu về “Khắc phục hậu quả của chương trình Giá-Lương-Tiền” vào năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” vào năm 1989, rồi đến Pháp lệnh Ngân hàng với cú hích không nhỏ trong thời kỳ đổi mới. Ông cũng là thành viên của Tổ Tư vấn (gồm 4 người) của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một trong những lý do khiến ông cống hiến tận lực, chính là “đặt lợi ích quốc gia, trong mọi trường hợp, đều là tối thượng, đều đứng trên mọi lợi ích khác”.

“Người xưa có câu ‘Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’, nghĩa là trong việc thịnh suy của đất nước, dù là một kẻ không có ăn học (thất phu) vẫn phải có trách nhiệm, huống hồ là một trí thức”, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn lý giải.

Nhiều năm qua, ông đã đúc rút kinh nghiệm và trí tuệ của mình để viết nên những cuốn sách có giá trị - “Giấc mơ hóa rồng”, “25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam”, gửi gắm ước mơ đất nước ngày mai sẽ hóa rồng, không một ai ngăn nổi hoặc tiếp tục làm chậm trễ.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nhớ lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước và những bước chuyển mình đầu tiên của nền kinh tế, sự lựa chọn dấn thân của người trí thức trước thời cuộc cùng những dự báo trong bối cảnh cả thế giới chật vật tìm cách bước ra khỏi đại dịch Covid-19.

Những ngày lịch sử "hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn" (lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thường gợi lên trong ông điều gì?

- Chỉ với một trái tim thấm đẫm tình yêu đất nước, dân tộc và một tấm lòng nhân hậu cảm thông sâu sắc mới có thể nói lên câu đó. Ông Sáu Dân hiểu được những hậu quả không mong muốn mà cuộc chiến trước đây đã để lại trong lòng người, không thể một sớm một chiều có thể xóa tan được. Ông cũng hiểu rằng, những vết thương chiến tranh cần được hàn gắn, một cộng đồng dân tộc sau bao năm chia cắt, rạn nứt cần được kết hợp trở lại.

Việt Nam chỉ có thể trở thành một quốc gia hùng cường khi đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Hòa giải hòa hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mệnh lệnh của Tổ quốc, là mong muốn của mọi người dân Việt. Ông Sáu Dân hiểu được điều đó, ông đã dành thời gian, tâm huyết một đời của ông để thực hiện mục tiêu này và tranh thủ truyền đạt mong muốn đó cho mọi người dân Việt, bây giờ và mai sau.

Nhớ lại ngày ấy, ông đã thấy gì và lo nghĩ ra sao về số phận của mình cùng gia đình?

- 8 giờ sáng ngày 30/4, đứng một mình trên tầng 3 của trường Đại học Dược khoa tọa lạc tại góc đường Cường Để và Thống Nhất (nay là Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn) nhìn về hướng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), tôi đã bình thản và lặng lẽ ngắm nhìn chiếc trực thăng cuối cùng, từ sân thượng tòa Đại sứ Mỹ, bay lên bầu trời xanh, kết thúc cuộc di tản vào giờ chót của người Mỹ tại Sài Gòn.

Tôi đã có thể là một trong số những người ra đi hôm đó. Mấy ngày trước, một bạn học của tôi từ năm đệ tứ trường Petrus Ký, đến gặp và rủ tôi cùng đi bằng cách này.

Tôi hiểu rằng một khi ra đi, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội quay về đoàn tụ với vợ con. Thế giới lúc đó bị chia cắt rõ rệt bằng một bức tường sắt không thể vượt qua được. Tôi đã từ chối vì không thể ra đi một mình.

Trong khoảnh khắc đó, ở thành phố này, tôi nghĩ chỉ có mỗi mình tôi là còn có thể chăm chú theo dõi các phi đội trực thăng quân sự chở những người Việt rời khỏi Sài Gòn. Họ là những người có cơ hội ra đi. Họ ra đi với niềm hy vọng về một tương lai an toàn và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Còn tôi, tôi thuộc về những người ở lại, với một tương lai mù mịt phía trước. Hàng chục triệu người khác cũng sẽ ở lại như tôi. Không bao giờ có đủ trực thăng để chở hàng triệu người đi.

Lúc đó tôi thật sự không biết cuộc sống của mình, của gia đình mình rồi sẽ ra sao. Liệu cuộc tắm máu sẽ xảy ra như nhiều người đồn đoán? Nhưng tôi không có sự chọn lựa khác. Sống hay chết, tôi và vợ tôi cũng phải ở lại đất nước này với hai đứa con nhỏ, một đứa chưa đầy hai tuổi, một đứa mới sáu tháng.

Vào giữa trưa ngày 30/4, đứng phía trong hàng rào sắt của trường Dược, tôi nhìn thấy dọc hai bên đường Thống Nhất xuất hiện những toán bộ đội mặc quân phục màu xanh lá, có người quần áo còn mới nhưng cũng lấm lem bụi đường, có người quần áo đã bạc màu, có người áo màu nâu, quần xanh bạc phếch.

Mỗi toán bộ đội đều có hai người kĩu kịt vác những thanh tre bó rơm, treo lủng lẳng những trái đạn B40. Chân mang dép quai cao su đen, gương mặt hầu hết rất trẻ, nước da xanh tái, người gầy và phần lớn thấp bé, họ nhanh nhẹn tiến bước một cách trật tự và khiêm tốn.

Cuối cùng, họ là những người chiến thắng. Họ là những người Việt tự mình giành lấy độc lập, chủ quyền và sự thống nhất lãnh thổ mà không cần ngoại bang trao tặng. Có thể đó là số phận không may của dân tộc Việt, khi cái giá phải trả bằng xương máu và chia rẽ quá lớn, nhưng đó là số phận của một dân tộc anh hùng.

Điều gì khiến một người trí thức như ông có cảm giác thanh thản, không vướng bận khi bàn giao số vàng khủng trên cho chính quyền mới, đến mức những người tiếp quản cũng phải ngạc nhiên, khâm phục?

- Vào đầu tháng 6/1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc Gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ. Các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban điều hành từ năm 1970 với chức vụ Kiểm soát viên.

Kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi cũng chẳng thấy lo âu gì cả vì biết chắc rằng các số tiền và số vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng một trăm phần trăm với sổ sách.

Số vàng được lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: Vàng thoi mua của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi - công ty Montagu - và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do Quan Thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng từ 12 đến 14 kí lô, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khoá, và được đặt trên những kệ bằng thép. Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ.

Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Công việc kiểm kê làm chúng tôi ngày càng thân mật với nhau hơn, khiến cho không khí các buổi kiểm kê chẳng những không nặng nề, lạnh lẽo như mùi không khí đặc sệt, lưu cữu dưới các hầm bạc, mà rất đầm ấm và cởi mở.

Ông Ba Quý - đại diện Ban Quân quản - cũng là một cán bộ ngân hàng nên chúng tôi vui vẻ trao đổi với ông những kinh nghiệm về việc phát hành tiền, những mẩu chuyện vui vui về việc thiêu hủy bạc cũ và việc đúc vàng tại tiệm vàng Kim Thành.

Buổi kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp đúng với sổ sách đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất.

Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia.

Có những thời khắc khó sống đối với người trí thức chế độ cũ, vì sao ông chọn ở lại thay vì ra đi?

- Quả thật, thời kỳ bao cấp là một thời kỳ hết sức khó khăn đối với mọi người, không riêng gì giới trí thức. Dòng người ra đi thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng phần lớn là những người có đầy đủ điều kiện tài chính vì cái giá để vượt biên không hề rẻ, thấp nhất cũng 5,6 cây vàng mỗi người. Vào thời điểm đó, không phải gia đình nào cũng sẵn có số tiền lớn như vậy.

Mặt khác, việc vượt biên đầy rủi ro mà rủi ro không đi thoát được, bị công an cửa khẩu bắt lại là rủi ro ít đáng sợ nhất. Các con tàu mỏng manh, chở nhiều người dễ bị sóng vùi dập, lại còn nạn cướp biển hoành hành khiến số người chết không nhỏ.

Tôi có vợ và hai con nhỏ, còn ba mẹ và các em, tôi và vợ tôi là viên chức lương ba cọc ba đồng, gia đình thanh bạch không có điều kiện tài chính nên không dám nghĩ đến chuyện vượt biên.

Đến năm 1986, chủ trương Đổi mới, mở cửa của Nhà nước như ánh bình minh tỏa sáng kết thúc một đêm dài lạnh lẽo, khiến đông đảo người dân tràn đầy hy vọng về một cuộc đổi đời. Bản thân tôi cũng được tạo cơ hội mang sức mình ra đóng góp cho sự thay đổi tích cực chung của đất nước.

Từ thời điểm đất nước mở cửa, dòng người ra đi giảm rồi ngưng hẳn, mọi người đã tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cuộc sống trên quê hương mình.

Có thể nói gì về cơ duyên gặp gỡ giữa ông và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt? Cảm nhận thế nào về ông Kiệt đã khiến ông tin tưởng và cống hiến tận lực cho sự phát triển trong từng giai đoạn của nền kinh tế?

- Lần đầu tiên tôi gặp ông Võ Văn Kiệt là vào tháng 3/1987, tại Hà Nội, lúc đó ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Dịp đó, tôi cùng anh Phan Chánh Dưỡng và Trần Bá Tước trình bày đề cương về giải pháp khắc phục hậu quả Giá-Lương-Tiền năm 1985. Năm đó ông đã 65 tuổi, tóc tuy bạc nhưng trông trẻ trung và khỏe mạnh lắm.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với ông là hành động quyết đoán, nói là làm. Một trong các đề xuất của chúng tôi trong đề cương là giải tỏa các trạm kiểm soát hàng hoá giữa các địa phương để chấm dứt ngăn sông cấm chợ được ông tán đồng và không ngờ được ông chỉ đạo thực hiện ngay.

Khi chúng tôi xuôi về Nam bằng đường bộ vài ngày sau đó, suốt dọc đường gần hai ngàn cây số không còn một trạm kiểm soát nào. Tôi thầm phục thái độ dấn thân, dám nhận trách nhiệm của ông. Ông còn có một khả năng thuyết phục rất cao để mọi người cùng giúp ông thực hiện được điều ông nhận thấy là đúng.

Ông có một sức thu hút đặc biệt ít người có. Khi tiếp xúc và làm việc với ông, ông không chỉ gợi lên trong tôi niềm kính phục một phẩm chất cao quý mà còn khiến tôi luôn tự nguyện làm những gì được ông yêu cầu, giống như làm công quả, vì biết rằng đó luôn là những điều chính đáng phải làm cho dân, cho nước.

Sau này, cũng chính ông trong vai trò Thủ tướng đã tuyên bố công khai rằng trong thời gian ông tại nhiệm sẽ không bao giờ có chuyện đổi tiền. Ông đã giữ vững lời hứa đó. Đồng bạc Việt Nam vững vàng gồng gánh nền kinh tế Việt Nam đi lên trong thời kỳ Đổi mới, ngày càng được người dân tín nhiệm, phải chăng cũng là từ lời hứa “như đinh đóng cột” của ông.

Với sự thông minh, tinh tế và sự sắc sảo nhạy bén đặc biệt, tuy không phải là nhà kinh tế, ông đã nhận thức được vai trò mũi đột phá của hệ thống ngân hàng trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và đã ra sức tập trung chỉ đạo thực hiện cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng vào năm 1989 và soạn thảo hai Pháp lệnh ngân hàng năm 1990, khi ông còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tôi có may mắn tham gia vào nhóm chuyên viên thực hiện đề án cải tổ đó, và đó cũng là thời gian làm việc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Nhờ vào sự thành công của cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua cơn khủng hoảng tiền tệ vào những năm 89-90 để có thể chuyển mình tiến lên trong những năm đầu của Đổi mới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cực kỳ ngoạn mục. Trong thời gian ông làm Thủ tướng Chánh phủ, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì một tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó.

Thưa ông, Nhóm Thứ Sáu ra đời trong hoàn cảnh nào và làm sao để người lãnh đạo lắng nghe, áp dụng những đề xuất đó?

- Nhóm Thứ Sáu là một nơi tập hợp tự nguyện các anh em chuyên viên trí thức được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, theo ý kiến của anh Phan Chánh Dưỡng, Phó Giám đốc Cholimex, từ năm 1986. Lúc đầu, các anh em nhận thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên đề nhằm phát triển các nguồn hàng xuất khẩu của Cholimex, về sau mới nhận nghiên cứu các đề tài mang tính chất vĩ mô.

Sau này, nhóm tách khỏi Cholimex, tuy vẫn sinh hoạt khá lâu tại một cơ sở của Cholimex. Nhóm có nhiều cái không, không tên chính thức, không có lãnh đạo, không có tổ chức, không lãnh lương, không biên chế, không nội quy, không trụ sở, không giấy phép hoạt động…

Gọi là Nhóm Thứ Sáu chỉ vì anh em hay họp vào ngày thứ sáu. Tuy nhiên, để giúp anh em họp hành một cách hợp pháp, Ban Kinh tế Thành ủy lúc đó cấp cho một quyết định thành lập lấy tên là Nhóm Nghiên cứu Chuyên đề Quận 5, với chỉ có 3 người là anh Dưỡng, anh Tước và tôi. Tuy vậy, có lúc, số anh em tham gia lên đến gần 20 người.

Nhóm Thứ Sáu có thực hiện các đề tài nghiên cứu về nhiều lãnh vực kinh tế, ngân hàng, ngoại thương, kinh tế vùng, và đề án thành lập khu chế xuất Tân Thuận. Thật ra, tôi không nghĩ, Nhóm Thứ Sáu biết cách làm cho người lãnh đạo lắng nghe mình. Điều may mắn là có những nhà lãnh đạo biết lắng nghe như ông Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí.

Chúng tôi cũng không nghĩ rằng những đề xuất của chúng tôi sẽ được áp dụng, điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh và suy nghĩ của lãnh đạo lúc đó. Nói như anh Lâm Võ Hoàng, chúng tôi chỉ là những con gà mái thả rong, khi mắc đẻ thì đẻ trứng ở đâu đó, ai nhặt được đem luộc hay làm ốp la tùy hỉ, tùy khẩu vị mà thôi.

Ông từng viết nhiều bài báo, bài bình luận phân tích sâu sắc, là tác giả của một số cuốn sách như “Giấc mơ hóa rồng”, “25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam”. Theo ông, 45 năm qua, vì sao VN bỏ qua cơ hội hóa rồng?

- Khi đất nước được hòa bình, thống nhất sau ngày 30/4/1975, không phải chỉ người VN mà cả thế giới đều mong và nghĩ rằng đó là cơ hội cho một con rồng xuất hiện ở Đông Nam Châu Á. Nhưng lúc đó thế giới còn trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, xung đột Nga Mỹ vẫn tiếp diễn, nhiều nước trong khu vực không muốn VN có hòa bình để phát triển.

Chúng ta phải giải quyết chiến tranh biên giới Tây Nam và kháng cự cuộc chiến xâm lược suốt chiều dài biên giới phía bắc. Tài nguyên, nhân lực của đất nước bị ngốn vào các cuộc chiến tiêu hao đó, cơ hội phát triển của VN bị cướp mất.

Năm 1986, đất nước quyết tâm đổi mới và mở cửa, thừa nhận nền kinh tế 5 thành phần, mở rộng xuất nhập khẩu, làm bạn với các nước. Mọi người một lần nữa tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội thành rồng. Không những các chuyên gia trí thức trong nước, cả trí thức Việt Kiều và các nước ngoài cùng nhau đóng góp ý kiến cho việc hình thành một chiến lược hóa rồng cho Việt Nam.

Một nhóm giáo sư đại học Harvard, Mỹ đã thực hiện một công trình nghiên cứu phát triển kinh tế cho Việt Nam lấy tên là “Theo hướng rồng bay”. Kỳ vọng của mọi người cho việc xuất hiện sớm của con rồng Việt Nam là rất lớn.

Nhưng trong suốt những năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có tăng nhưng chưa bao giờ đến mức 2 con số. Chỉ số ICOR từ 2,5 vào những năm đầu Đổi mới đã tăng đến 6 rồi 8 mười năm sau, cho thấy hiệu quả đầu tư ngày càng kém, năng suất lao động tăng chậm.

Xuất nhập khẩu tuy có tăng nhưng thâm hụt ngoại thương ngày càng lớn, xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, nợ công tăng chóng mặt, ngân sách khiếm hụt triền miên. Sau 20 năm phát triển, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải nguy cơ lọt vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Chúng ta một lần nữa đánh mất cơ hội do không đánh giá đúng vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư doanh. Xem quốc doanh là chủ đạo, chúng ta dành trọn nguồn vốn, nhân lực, tài nguyên cho khu vực này, duy trì tỷ giá cao để mua hàng nhập khẩu rẻ hơn, một mức lãi suất cao để tập trung nguồn tài chính vào khu vực kinh tế quốc doanh. Kết quả như đã nói ở phần trên.

Trung Quốc cũng tiến hành cải cách kinh tế đồng thời với ta, có lĩnh vực còn chậm hơn (như việc giải tỏa hệ thống giá cả), nhưng với quan điểm mèo đen mèo trắng miễn bắt chuột là được, đã phát triển mạnh khu vực tư. Các chính sách tỷ giá, lãi suất đều hướng vào việc kích thích xuất khẩu (vốn là thế mạnh của khu vực tư), khuyến khích đầu tư nước ngoài. Do đó, ngoại thương liên tục thặng dư, đầu tư nước ngoài tăng vọt, Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới, dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới.

Nhưng cơ hội để phát triển lúc nào cũng còn đó. Tôi tin rằng những bài học của quá khứ sẽ giúp ta đạt được thắng lợi trong tương lai. Giấc mơ hóa rồng của Việt Nam dù muộn, cũng sẽ trở thành hiện thực.

Theo ông, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến kinh tế VN ra sao vào thời điểm này, và cần làm thế nào để xốc lại nền kinh tế kiệt quệ sau dịch Covid-19?

- Nền kinh tế VN có chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19, như các nền kinh tế khác trên thế giới, nhưng không thể nói là kiệt quệ.

Do các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa các vùng dịch, hạn chế đi lại giữa các địa phương, các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, giảm bớt tổn thất nhân mạng mà các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp như giao thông, du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề, khiến những ngành kinh tế có liên quan cũng bị ảnh hưởng theo và dẫn đến toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại dịch không phải là chiến tranh, không có sự tàn phá các cơ sở hạ tầng, không có sự hủy diệt các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Mọi thứ vẫn còn đó, chỉ có nhu cầu tiêu dùng trong thời đại dịch sút giảm.

Nhờ may mắn và cũng nhờ Chính phủ VN có biện pháp chống dịch hiệu quả nên tôi nghĩ rằng ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch lên nền kinh tế VN không nhiều bằng ảnh hưởng của tình trạng suy thoái của các nền kinh tế phương Tây đối với VN, vì mức độ hội nhập kinh tế của VN rất sâu.

Chính phủ VN cũng có chuẩn bị gói kích cầu và những biện pháp kích thích kinh tế. Bây giờ, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi những diễn biến trên phạm vi toàn cầu để có giải pháp ứng phó thích hợp. Tình trạng suy thoái đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là số người thất nghiệp tại các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, đang gia tăng khủng khiếp.

Nhưng tôi nghĩ rằng tình trạng thất nghiệp này là tạm thời, không mang tính chất cơ cấu. Khi tình hình đại dịch được khắc phục, với các chính sách kích cầu mạnh mẽ hàng chục ngàn tỷ đô la mà các nước phát triển phương Tây và Nhật Bản đang triển khai, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi.

Tiến trình phục hồi có thể chậm vì thời điểm mở cửa kinh tế mỗi nước mỗi khác nhau do tính chất nghiêm trọng của đại dịch mỗi nước mỗi khác, nhưng tôi tin rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi sớm hơn so với thời kỳ hậu Đại Suy thoái 1930 và sau Thế chiến 2.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang đến những cơ hội cho VN, theo ông? Tương tự, nền kinh tế thế giới có thể thay đổi một cách toàn diện sau đại dịch Covid-19, VN cần có đối sách ra sao?

- Mọi cuộc chiến, dù là thương mại hay quân sự, đều không mang lại lợi ích tích cực cho cả hai bên tham chiến. Cái được của người thắng cuộc sẽ nhỏ hơn cái mất của người thua cuộc, đó là một trò chơi kết số âm. Do đó, cuộc chiến nào đi nữa cũng không thể kéo dài mãi, đến một lúc sẽ phải kết thúc.

Đứng ngoài cuộc chiến, người ngoài cuộc có thể có cơ hội để thủ lợi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tác động của cuộc chiến. Trong tình hình cuộc chiến Mỹ Trung đang diễn ra hiện nay, một số doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản, thậm chí Trung Quốc, muốn dời cơ sở sản xuất kinh doanh của họ sang Việt Nam để tránh bị Mỹ áp thuế. Điều này sẽ giúp FDI vào Việt Nam tăng lên, các sản phẩm dệt may, da giày của VN sẽ thay thế được trước mắt các sản phẩm tương tự của Trung Quốc trên thị trường Mỹ…

Tuy nhiên, chúng ta không nên vì cái lợi trước mắt mà quên đi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, trong đó có việc tái cấu trúc nhằm xây dựng nền móng vững chắc cho nền kinh tế nước nhà. Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, sử dụng các nguồn lực một cách tiết kiệm và hiệu quả, cải thiện, nâng cao năng suất lao động trong nước, xây dựng một nền kinh tế chi phí thấp để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực hiện được những điều cần thiết đó, nền kinh tế nước ta sẽ đủ sức ứng phó với mọi tình huống, dù là thời kỳ hậu chiến Mỹ Trung hay hậu Covid 19. Đó là cơ sở của phương lược “Dĩ bất biến ứng vạn biến “.

Trong quá trình hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia các Hiệp định CPTPP và EVFTA, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân cần được đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Khi thực hiện quốc sách Đổi mới và mở cửa, VN đã chọn một chiến lược phát triển đúng đắn là hội nhập kinh tế với thế giới và xem đó là động lực cần thiết để giúp nền kinh tế VN nhanh chóng tăng trưởng và cất cánh. Một khi đã chấp nhận bước vào đấu trường thế giới, muốn giành thắng lợi, chúng ta phải chú trọng tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp nước nhà.

Tuy nhiên trong thời gian đầu, chúng ta còn tập trung quá nhiều nguồn lực quốc gia cho các doanh nghiệp quốc doanh, vốn từ lâu được xem là khu vực kinh tế chủ đạo, nhưng trên thực tế lại không thể sử dụng các nguồn lực đó một cách có hiệu quả. Điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị sút giảm, nợ công chồng chất, ngân sách quốc gia thâm hụt kéo dài.

Hiện nay, Nhà nước đã nhìn nhận vai trò thiết yếu của khu vực tư doanh trong chiến lược hội nhập để phát triển kinh tế, vì đã thấy rõ rằng các doanh nghiệp tư nhân là những người sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực. Khu vực tư doanh đã bớt bị phân biệt đối xử, vai trò doanh nhân được coi trọng, chính sách phân phối tài nguyên quốc gia được thực hiện công bằng hơn giữa khu vực dân doanh và quốc doanh.

Nhờ vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia sẽ được nâng cao hơn nữa.

Phẩm chất hàng đầu của người trí thức độc lập là gì, theo ông?

- Tôi nghĩ rằng một người tự nhận mình là người trí thức thì ít nhất phải có tư duy độc lập, trong ý nghĩa là mình suy nghĩ và hành động theo điều mình biết và tin là đúng, không vì sức ép của quyền lợi hay cường quyền mà suy nghĩ và hành động khác đi. Có thể có khái niệm người nô lệ trí thức, nhưng không thể có khái niệm người trí thức nô lệ.

Trong tinh thần đó, tôi cho rằng phẩm chất hàng đầu của người trí thức là yêu tự do và tôn trọng chân lý.

Vì sao ông từng thừa nhận rằng chỉ có thể học từ thất bại?

- Thất bại là thầy ta, thành công là đầy tớ của ta. Thầy của ta chắc chắn sẽ dạy cho ta nhiều điều hơn. Những người học được bài học của thất bại sẽ có cơ may nhiều hơn người khác để nhận được phần thưởng lớn hơn của thành công. Trải qua nhiều thất bại, người ta sẽ cố gắng nhiều hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn, có kiến thức nhiều hơn, và đó là những điều kiện cần cho thành công.

Nhưng thành công còn nhờ may mắn, còn cần có đầy đủ cơ duyên, cơ duyên do ta tạo được từ cuộc sống hiện tại, hay tạo được từ cuộc sống trước đây, đó là nguyên lý nhân quả, nghiệp lực. Thành công còn gắn liền với mục tiêu được đặt ra trong cuộc đời ta.

Tôi tự nhận là người thất bại vì tôi không đạt được những mục tiêu mà tôi đã đặt ra cho chính mình, trong cuộc đời này. Tôi không thành công, và tôi cũng không muốn tự an ủi là không thành công thì thành nhân. Cuộc sống, đối với ta, chỉ thật sự có ý nghĩa không phải là vì ta làm được nhiều điều cho mình, mà vì ta làm được nhiều điều cho người khác, cho đất nước, cho dân tộc, cho nhân loại. Trong suy nghĩ đó, tôi thấy tôi là người thất bại.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Lệ/Dân Việt
https://danviet.vn/pham-chat-hang-dau-cua-nguoi-tri-thuc-la-yeu-tu-do-va-ton-trong-chan-ly-1085477.htm