Eximbank và khách chốt phương án giải quyết vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ

21/03/2024 06:54

Eximbank và ông H.A đã thống nhất phương án giải quyết dứt điểm vụ việc nợ thẻ tín dụng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên trong thời gian sớm nhất.

Chủ thẻ tín dụng phát sinh dư nợ hơn 8,8 tỷ đồng đã có buổi gặp và làm việc với Eximbank. Ảnh: T.L.

Liên quan vụ việc ông H.A (Quảng Ninh) phát sinh dư nợ thẻ tín dụng Eximbank 8,5 triệu đồng từ năm 2013, sau 11 năm số dư nợ phát sinh lên tới hơn 8,8 tỷ, thông tin từ luật sư đại diện khách hàng trong vụ việc cho biết đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Eximbank.

Nội dung cụ thể của buổi làm việc không được vị luật sư chia sẻ nhưng ông cho biết cả Eximbank và chủ thẻ H.A đều đã thống nhất sẽ giải quyết dứt điểm sự việc trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.

Nguồn tin tại Eximbank cũng xác nhận với Tri thức - Znews việc ngân hàng đã gặp và làm việc với khách hàng. Đồng thời nhấn mạnh hai bên đã trao đổi và thống nhất hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và ngân hàng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu Eximbank khẩn trương báo cáo vụ việc chủ thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu phải trả 8,8 tỷ đồng sau 11 năm vào trước ngày 21/3.

Cơ quan quản lý yêu cầu lãnh đạo Eximbank thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch vụ việc. Trong đó, giải thích rõ nội dung, quá trình vụ việc, phương hướng xử lý.

Như đã thông tin, theo phản ánh từ khách hàng, ông H.A cho biết khoảng tháng 3/2013 có mở thẻ tín dụng tại ngân hàng Eximbank, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ này. Đến năm 2017, ông A mới phát hiện bản thân đang có khoản nợ xấu tại Eximbank. Ngay sau đó, ông A đã đến ngân hàng để xác minh và được ngân hàng phản hồi phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ do đã ký nhận thẻ.

Khách hàng này cho biết trước đó chưa hề nhận được thẻ tín dụng và cũng không phát sinh dư nợ nào từ thẻ, đồng thời khẳng định không nhận được thông báo từ ngân hàng, trong hồ sơ mở thẻ tín dụng lại có thêm 1 số điện thoại không phải của ông. Phía ngân hàng cho biết có liên lạc theo số điện thoại này và không liên lạc được. Ông A đặt câu hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà ông đang sử dụng thì ngân hàng không trả lời được.

Theo vị khách này, thời điểm đó, ông đã đưa ra phương án chấp nhận trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, dù số tiền này không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này, tuy nhiên phía ngân hàng không đồng ý.

Sau nhiều lần làm việc không thống nhất được phương án, đến cuối năm 2023, ông A nhận được thông báo nhắc nợ phải trả lên tới hơn 8,8 tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, ông H.A sau đó đã thuê luật sư đại diện để làm việc với ngân hàng.

Về phía Eximbank, nhà băng này cho biết khách hàng H.A có mở thẻ tín dụng MasterCard tại chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Khách hàng sau đó phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Ngay sau đó, ngân hàng đã thực hiện nhiều bước để thu hồi khoản nợ.

Ngân hàng này khẳng định phương thức tính lãi, phí trong khoản nợ nói trên phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký khách hàng.

Theo Hồng Nhung/Znews