Loạt ngân hàng 'ôm' tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp

05/08/2023 06:58

MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB… là nhóm các nhà băng “ôm” lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến hết quý 2 này, giá trị nắm giữ vẫn trên đà giảm.

Ngân hàng nào "ôm" nhiều nhất

Tính đến cuối tháng 6-2023, thống kê từ báo cáo tài chính 27 ngân hàng cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nắm giữ hơn 200.000 tỉ đồng. Trong đó, MBBank (MBB) vẫn là nhà băng nắm nhiều nhất.

z4576216570295-a074b8809c35d97c652f855d757bbc06-1691193407.jpg
Tình hình nắm giữ TPDN tại các ngân hàng

Báo cáo tài chính quý 2 cho thấy MBBank ghi nhận 40.428 tỉ đồng TPDN sẵn sàng để bán, giảm hơn 3.100 tỉ đồng so với cuối năm trước. Đây là trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 15 năm, có lãi suất từ 7,3% đến 13,8%/năm.

Ở mục đầu tư đến ngày đáo hạn, MBBank ghi nhận 2.561 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn từ 4 đến 10 năm, lãi suất 8,9% đến 13%/năm. 

Ở kỳ này, MBBank có 22.715 tỉ đồng chứng khoán nợ chưa niêm yết ghi nhận tại mục chứng khoán kinh doanh, tăng vọt so với đầu năm. Tại báo cáo tự lập, ngân hàng không thuyết minh rõ khoản này.

z4576216514113-37a8c3254180d9d290c77960f69cf802-1691193407.jpg

Các ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN có xu hướng giảm dần giá trị nắm giữ

Ở vị trí "á quân", giá trị TPDN tại Techcombank (TCB) tiếp đà giảm. Đến cuối tháng 6-2023, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành còn 39.787 tỉ đồng, giảm 3%.

Cuối tháng 6-2023, trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ của VPBank (VPB) hơn 38.000 tỉ đồng, cũng giảm so với cuối năm trước.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4 năm nay, ông Ngô Đức Vinh - tổng giám đốc VPBank - cho biết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khoảng 30.000 tỉ đồng, trong đó 60% trái phiếu của các dự án bất động sản từ 40 doanh nghiệp bất động sản.

"Năm 2023, có một số trái phiếu đến hạn, VPBank dự kiến sẽ giảm mức tỉ trọng còn khoảng 50% so với hiện nay", ông Vinh nói.

Novaland là một trong 40 doanh nghiệp mà VPBank đã đầu tư. Hiện công ty này vẫn đang khó khăn nhưng theo VPBank, cả dư nợ cho vay lẫn trái phiếu của Novaland tại ngân hàng đều dưới 1% tổng dư nợ.

Còn tại TPBank (TPB), lượng TPDN nắm giữ là hơn 17.900 tỉ đồng, giảm 17% so cuối năm trước.

TPDN sẵn sàng để bán thời điểm cuối tháng 6-2023 của SHB cũng giảm 20%, về còn 10.161 tỉ đồng. 

Vì sao giảm?

Ngoài hoạt động tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những ưu tiên lựa chọn của nhiều ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận, nâng cao cạnh tranh. 

Một số ngân hàng có lãi từ đầu tư mục này. Lãnh đạo TPBank cho biết kinh doanh trái phiếu bắt đầu có lãi từ quý 2-2023, đạt gần 238 tỉ đồng nhờ việc thực hiện mua bán khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Nói với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích CTCP chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết các ngân hàng có xu hướng giảm giá trị nắm giữ TPDN, tỉ trọng trên tổng tài sản cũng giảm.

Thống kê từ 27 ngân hàng cho thấy tỉ trọng nắm giữ TPDN trên tổng tài sản đến cuối quý 2 giảm về còn 1,51%, quý 1 liền trước là 1,64%. Trong đó, giảm mạnh nhất từ MBBank, VPBank, TPBank và SHB.

Ông Minh dẫn một số lý do khiến tỉ trọng nắm giữ tại các ngân hàng giảm như: các đơn vị phát hành tăng tốc mua lại; cơ cấu khoản nợ hoặc chuyển sang tài sản đảm bảo...

Bên cạnh đó, theo ông Minh, những diễn biến thị trường TPDN vừa qua cũng khiến các ngân hàng kém mặn mà với kênh đầu tư này nên giảm giá trị nắm giữ. Tuy nhiên dù có giảm nhưng cơ bản số lượng vẫn còn khá lớn.

Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ
Bạn đang đọc bài viết "Loạt ngân hàng 'ôm' tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp" tại chuyên mục Tài chính.