'Ông trùm' BOT Tasco đang đi về đâu?

15/08/2018 12:22

CTCP Tasco (HNX: HUT) từng được xem là "ông trùm" BOT một thời với hàng loạt dự án trên các tuyến đường giao thông phía Bắc. Tuy nhiên với định hướng dừng triển khai mới các dự án BOT, chỉ tập trung khai thác các dự án hiện tại; đồng thời chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, y tế... hoạt động của Tasco có thể đứng trước nhiều thách thức.

Lợi nhuận giảm kéo giá cổ phiếu đi xuống

Tasco bắt đầu cho thấy những dấu hiệu kém hiệu quả hơn từ năm 2017 khi tổng doanh thu chỉ đạt 2.195 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 297,5 tỷ, giảm gần 27%.

Doanh thu, lợi nhuận của Tasco sụt giảm.

Sự đi xuống về hiệu quả kinh doanh phần lớn đến từ sụt giảm mảng bất động sản, cũng là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu. Nguyên nhân được giải trình là công ty mới bàn giao một phần sản phẩm bất động sản cho khách hàng và Tasco đang tiếp tục bàn giao, dự kiến ghi nhận doanh thu vào năm tới.

Nhưng đến nửa năm 2018, doanh thu mảng kinh doanh bất động sản vẫn chưa có tiến triển lớn nào như giải trình. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy tổng doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ có 598 tỷ, giảm 43%; lợi nhuận theo đó đạt hơn 41 tỷ đồng, giảm đến 77% so với cùng kỳ.

Trong năm 2018, mặc dù đặt kế hoạch thụt lùi với với tổng doanh thu 2.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực hiện sau 6 tháng đang khá khiêm tốn và cách rất xa ‘lời hứa’ của ban lãnh đạo.

Doanh thu và lợi nhuận của Tasco liên tiếp sụt giảm từ đầu năm 2017 đến nay và điều này đã có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Từng giao dịch tại gần 12.000 đồng/cp nhưng đến nay cổ phiếu chỉ còn hơn 5.000 đồng/cp.

Chuyển hướng kinh doanh hay đầu tư tràn lan?

Trước năm 2015, mảng xây dựng thường chiếm khoảng 80-90% doanh thu của Tasco, nhưng với định hướng chuyển đổi từ năm 2016, tỷ trọng của lĩnh vực này hiện chỉ còn không đáng kể. Kinh doanh bất động trở thành hy vọng mới nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Cụ thể, mảng bất động sản trong 6 tháng đầu năm chỉ thu về 229 tỷ, giảm 62% so với cùng kỳ và chỉ còn chiếm khoảng 38% tổng doanh thu, trong khi các năm trước có tỷ lệ trên 60%.

Báo cáo của HĐQT hồi tháng 5 cho thấy một số dự án chậm tiến độ như Foresa Mỹ Đình quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bị chậm tiến độ 6 tháng hay Dự án khu nhà ở cho Báo Nhân dân vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán với gần 130 khách hàng.

Không chỉ bất động sản chậm lại mà Tasco cũng đang sa lầy trong các dự án BOT, BT và ngay cả dự án thu phí không dừng (VETC) từng được kỳ vọng nhiều của Tasco.

Cụ thể, Dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng đã thi công xong cơ bản toàn bộ tuyến vào cuối năm 2017 nhưng vì chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện thu phí để hoàn vốn cho dự án. Dự án BT39 chưa thực hiện quyết toán xong với cơ quan Nhà nước.

Ở Dự án BOT Đông Hưng, công ty chưa thực hiện thi công xong vì vướng mặt bằng, do đó dự án kéo dài thêm 3 tháng. Ngoài ra, Tasco cũng đang dính ‘lùm xùm’ trong việc giải quyết về mức phí qua trạm BOT Mỹ Lộc và BOT Tân Đệ (huyện Vũ Thư, Thái Bình)

Đối với Dự án thu phí không dừng VETC thì việc triển khai đầu tư, lắp đặt các thiết bị thu phí tại các trạm thu giá của dự án BOO được Tasco nhận định là gặp nhiều khó khăn.

Ngoại trừ Dự án BT Lê Đức Thọ, việc triển khai các dự án khác của Tasco hiện chưa có nhiều chuyển biến. Xây dựng cơ bản dở dang vẫn chiếm đến 40-50% tổng tài sản nhưng không có nhiều cải thiện cho thấy Tasco đang lúng túng trong việc thực hiện các dự án này.

Các dự án của Tasco vẫn đang triển khai khá chậm.

Những thách thức nêu trên còn thể hiện trong phát biểu của Chủ tịch Phạm Quang Dũng đưa ra hồi tháng 6/2016, rằng BOT là lĩnh vực có lợi nhuận thấp nhưng do bất động sản chững lại, không có việc gì làm nên doanh nghiệp đầu tư hạ tầng mới chuyển hướng đầu tư BOT.

Thế nhưng gần 1 năm sau tại Đại hội thường niên 2017, Tasco lại quyết định dừng đầu tư mới BOT để chuyển sang bất động sản, y tế như hiện nay.

Nhìn vào danh mục đầu tư trên của Tasco cũng cho thấy doanh nghiệp đang sa đà vào khá nhiều lĩnh vực như bất động sản, BOT, BT, VETC, y tế, rác thải, nông nghiệp, năng lượng...

Đầu tư dàn trải là thế nhưng hiệu quả kinh tế của các đơn vị này lại không mấy khả quan. Ngoại trừ Tasco Quảng Bình đang làm ăn hiệu quả (lãi 41 tỷ năm 2017) thì phần lớn các đơn vị BOT khác bị thua lỗ như Tasco 6 (lỗ 751 triệu), Tasco Hải Phòng chưa có doanh thu lợi nhuận, Tasco Nam Định lỗ 15 triệu.

Các lĩnh vực khác như công ty TNHH thu phí tự động VETC lỗ 16 tỷ năm 2017, Bệnh viện mắt Hà Nội lỗ 17 tỷ đồng, công ty dịch vụ Tasco lỗ 1,6 tỷ đồng, công ty về giáo dục Tasedu lỗ 359 triệu, công ty thực phẩm An Nhiên Food lỗ 144 triệu đồng,...

Với những bước đi nửa vời cùng việc sa đà vào nhiều lĩnh vực nhưng chưa hiệu quả đang khiến cho kết quả kinh doanh của Tasco ngày càng đi xuống, lĩnh vực trọng tâm là bất động sản cũng như triển vọng các mảng khác vẫn đang là dấu hỏi lớn và cần thời gian trả lời về hiệu quả kinh doanh của "ông trùm" BOT một thời này.

Lan Điền/NDH

Bạn đang đọc bài viết "'Ông trùm' BOT Tasco đang đi về đâu?" tại chuyên mục Tài chính.