44.000 tỉ đồng chậm trả trái phiếu, nhiều 'đại gia' địa ốc sắp đáo hạn giá trị lớn

21/07/2023 07:52

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến thăm một công ty khởi nghiệp về xe máy điện của Việt Nam. Hai trong số ba nhà sáng lập doanh nghiệp này từng học ở Mỹ.

z4534143339361-21aeeaece29b67d7b397a69191f76ce3-1689900515.jpg

Lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Danh sách chậm trả ngày một dày

Trong bối cảnh khó khăn, danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu ngày một "dày".

Mới đây, Công ty CP Signo Land đã "khất" lô trái phiếu hơn 1.000 tỉ đồng với lý do "đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu".

Với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco - cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỉ đồng, 1.000 tỉ đồng gốc phải "khất".

Novaland cũng phải gia hạn nhiều lô trái phiếu giá trị lớn vì "chưa thu xếp được nguồn thanh toán"...

Nói với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết cập nhật đến ngày 13-7-2023, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 18.000 tỉ đồng đã được bên phát hành đàm phán với trái chủ bao gồm hoán đổi bằng tài sản khác, gia hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản… Số còn lại vẫn tiếp tục đàm phán.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều cuộc đàm phán chưa "ngã ngũ" bởi nhiều lý do. Một số trường hợp trái chủ đề nghị bên phát hành bán bất động sản để thanh toán. Song doanh nghiệp nói thị trường kém, không muốn "cắt lỗ" cao.

Có trường hợp bên phát hành thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn. Tuy nhiên, tỉ lệ tham dự hội nghị không đủ để thực hiện.

Nhóm chuyên gia Chứng khoán KBSV cho biết lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị chậm trả nợ.

 

z4534143462604-185503a9751b08238a61104acc9f69b6-1689900515.jpg
Cơ cấu ngành chậm trả gốc, lãi trái phiếu năm 2023 - Nguồn: HNX, KBSV

 

Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch FiinGroup - cho biết ngoại trừ lãi suất giảm, tín dụng hay tình hình kinh doanh với bất động sản vẫn chưa cải thiện nếu nhìn vào số lượng mở bán, giao dịch thực tế trên thị trường sơ cấp.

Do vậy sẽ có thể có thêm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải thực hiện giãn hoãn hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu với trái chủ, vị chuyên gia dự báo.

"Ngoài ra, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, áp lực nợ đáo hạn vẫn cao và điều này vẫn là một rủi ro lớn trên thị trường trái phiếu", ông Thuân lo ngại.

Doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, sẽ xử lý tài sản đảm bảo

Lãnh đạo HNX cho biết trái phiếu đáo hạn tập trung vào năm 2023 và 2024, riêng năm nay là 261.000 tỉ đồng. Trong đó, nhiều trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán.

Theo một thống kê của KBSV, sẽ có khoảng 150.600 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào nửa cuối năm nay. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91.800 tỉ đồng, tăng 26% so với quý liền trước.

 

z4534143600247-52eeeef9383a3a44724e7ef08549fc82-1689900515.jpg
Các doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn nhất vào nửa cuối năm 2023 - Nguồn: HNX, KBSZ

 

Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.600 tỉ vào tháng cuối năm 2023. Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt 63.300 tỉ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.

Lãnh đạo HNX cho biết trường hợp tổ chức phát hành không có khả năng thanh toán gốc, lãi thì phải xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số giải pháp cụ thể như đưa hệ thống giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đi vào hoạt động từ ngày 19-7; ban hành nghị định 08… dự báo sẽ có chuyển biến tích cực và quyền lợi nhà đầu tư sẽ được ưu tiên đảm bảo trong thời gian tới, theo lãnh đạo HNX.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tình trạng chậm thanh toán, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) - nhấn mạnh tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với trái phiếu phát hành ra.

Lãnh đạo SSC cũng kỳ vọng với nhiều giải pháp được đưa ra vừa qua, thị trường sẽ dần gỡ được khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động của doanh nghiệp, phụ thuộc vào "sức khỏe" của họ. Trong quá trình phát hành nếu không cân đối, kiểm soát tốt sẽ gây rủi ro tới chính doanh nghiệp, trái chủ và thị trường.

Vừa qua, một số vụ vi phạm liên quan tới tổ chức phát hành riêng lẻ đã được phát hiện và xử lý nghiêm, đây cũng là lời cảnh tỉnh với đơn vị nào làm sai. Ủy ban cũng đã gặp gỡ, lắng nghe các doanh nghiệp báo cáo về khả năng dòng tiền chi trả cho trái chủ ra sao. 

Theo ông Sơn, cần phát triển thị trường trái phiếu bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng, song phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Để thị trường ngày càng phát triển, phía cơ quan quản lý cũng phải tăng cường khâu giám sát; các nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc các rủi ro khi giao dịch…

Các “ông lớn” bất động sản sắp đáo hạn giá trị lớn

Tổng hợp từ HNX, KBSV ước có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng đáo hạn trên 3.000 tỉ trong nửa cuối năm 2023. Đáng chú ý, có đến 12/13 doanh nghiệp bất động sản và 11/13 doanh nghiệp chưa niêm yết, khiến rủi ro vỡ nợ vô cùng căng thẳng.

Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn với gần 15.000 tỉ đồng. Do đây là những lô trái phiếu liên quan đến vi phạm nên rủi ro được đánh giá rất cao, theo KBSV.

3 doanh nghiệp địa ốc cũng nằm trong danh sách bao gồm Novaland (9.200 tỉ đồng), Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (3.700 tỉ đồng) và Hưng Thịnh Land (3.600 tỉ đồng).

Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ