Vì sao EVN nợ PVN tới gần 1 tỉ USD, quá nửa là nợ đến hạn?

15/07/2023 05:17

Những khó khăn về tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bộc lộ ngày càng rõ khi mới đây Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) công bố khoản nợ lên tới 23.000 tỉ đồng.

z4517343242319-ef8d1fbdea59c0c1ae5a9bdd76fb064e-1689372963.jpg
PVN bán điện cho EVN chủ yếu là nguồn điện khí. Trong ảnh: cụm khí - điện - đạm Cà Mau - Ảnh: N.K.

Trong tổng số gần 23.000 tỉ đồng mà EVN đang nợ PVN, có tới 14.000 tỉ đồng là các khoản nợ đến hạn cần thanh toán. 

Nợ lớn chủ yếu từ tiền mua điện

Công bố khoản nợ này, PVN cho rằng đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà tập đoàn này đang phải đối mặt. Bởi khoản nợ này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, có thể khiến tập đoàn bị mất cân đối dòng tiền. 

Thêm nữa, với việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng tính ổn định không cao, dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của tập đoàn.

Một trong những khoản nợ lớn nhất của EVN với PVN là tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) - đơn vị sản xuất, vận hành nhiều nhà máy điện. Theo đó, số tiền nợ đọng hiện đã lên tới gần 13.000 tỉ đồng, trong khi việc thu hồi công nợ từ EVN rơi vào tình thế "vô cùng khó khăn".

Lý do khiến cho EVN nợ PVN là bởi hiện nay EVN không còn là đơn vị sản xuất điện duy nhất trên thị trường. Tập đoàn này mua điện từ các nguồn bên ngoài, gồm các tập đoàn PVN, TKV, các nhà máy điện BOT và các chủ đầu tư khác, đưa tổng công suất nguồn toàn hệ thống lên gần 80.000MW. 

Trong đó EVN chỉ quản lý trực tiếp các nhà máy điện lớn (chiếm 15% tổng công suất lắp đặt). Cùng với ba tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3), EVN đang quản lý khoảng hơn 20% công suất các nguồn điện, nâng tỉ lệ quản lý các nguồn thuộc EVN là 38%. 

Trong số các nguồn điện mua ngoài, PVN là một trong những đơn vị cung ứng điện lớn nhất với 6.112MW. Báo cáo của tập đoàn này cho hay trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện cung ứng cho hệ thống là 12,66 tỉ kWh, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2022 (7,95 tỉ kWh).

Với nguồn điện huy động lớn từ PVN, các khoản nợ của EVN chủ yếu tập trung vào tiền mua điện của tập đoàn này. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam kiểm toán cũng chỉ ra một loạt công nợ tiềm tàng và các khoản nợ của EVN. 

EVN lỗ lớn, nợ nhiều vì giá bán điện thấp hơn giá thành

Hết năm 2022 nợ phải trả của tập đoàn lên tới 440.814 tỉ đồng (18,6 tỉ USD), gồm 159.959 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 280.885 tỉ đồng nợ dài hạn. Trong số này, khoản nợ mà EVN phải trả cho các nhà cung cấp, bán điện chủ yếu là nợ ngắn hạn lên tới 79.143 tỉ đồng. Con số này tăng hơn 16.400 tỉ đồng so với hồi đầu năm. 

Những khó khăn về tình hình tài chính của EVN được xem là nguyên nhân khiến các khoản nợ ngắn hạn của EVN gia tăng. Thực tế kết quả kinh doanh năm 2022 của EVN đạt doanh thu thuần là 463.000 tỉ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021, chủ yếu từ doanh thu bán điện lên tới 98,6%. 

Tuy nhiên do chi phí vốn tăng cao, trong khi giá bán điện thấp hơn giá mua vào nên gây ra khoản lỗ cho EVN. 

Doanh thu bán điện của EVN đạt hơn 370.000 tỉ đồng nhưng giá vốn điện lên tới hơn 400.000 tỉ đồng. Có nghĩa giá bán điện mà EVN bán cho người dân hiện nay thấp hơn 30.000 tỉ đồng so với giá điện được EVN mua vào từ các đơn vị và tập đoàn sản xuất ra. 

Đây là thách thức không nhỏ cho EVN để cân bằng tài chính. Mặc dù giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 3% vào ngày 29-4 vừa qua, song theo tính toán trong 5 tháng đầu năm tập đoàn này tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện lên tới hơn 36.000 tỉ đồng. 

Theo Ngọc An/Tuổi trẻ